Đặng Trần Côn 鄧陳琨, tác giả của Chinh phụ ngâm, sống khoảng tiền bán thế kỷ XVIII, dưới triều vua Lê Dụ Tôn. Năm sinh và mất của ông không rõ ràng, sinh khoảng 1715 và mất khoảng 1750. Ông người xã Nhân Mục (làng Mọc), huyện Thanh Trì thuộc tỉnh Hà Đông. Vốn có tư chất thông minh lại là người hiếu học, thuở thiếu thời cần học, ông phải làm hầm đọc sách, bởi lệnh chúa Trịnh cấm đốt lửa ban đêm, vì thuở ấy trong nội thành Thăng Long thường xảy ra hoả hoạn.

Ông đậu cử nhân, làm Huấn đạo, đến năm 1740, đời Lê Hiển Tông, tiên sinh được thăng bổ Tri huyện Thanh Oai (Hà Đông) và sau thăng dần đến chức Ngự sử đài. Tính tình tiên sinh khoáng dật, hồn nhiên, yên sống cuộc đời tao nhã, lấy sự uống rượu ngâm thơ, hay quẩy túi gió trăng, thênh thang du ngoạn cảnh thiên nhiên làm thú vị hơn cả. Văn chương tiên sinh thì thật là cao siêu lỗi lạc, nhất là Chinh phụ ngâm, chẳng những các thi hào trong nước mà cả nước ngoài cũng đều phải kính phục văn tài. Thi phái đời Hậu Lê đã được tiên sinh dìu dắt trên đường trấn hưng, và kho tàng văn học sử nước nhà đã được tiên sinh bồi đắp bằng những áng văn quý giá. Ngoài Chinh phụ ngâm, tiên sinh còn soạn: Tiêu Tương bát cảnh, Trương Hàn tư thuần tư, Trương Lương bố y, Khấu môn thanh, tiểu thuyết Bích Câu kỳ ngộ, và các áng văn thơ khác, tất thảy đều là những tác phẩm giá trị được các bậc thi hào truyền tụng.