Đề bài: Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Bài văn mẫu

   Lê Minh Khuê thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, bà từng là thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70. Trước chiến tranh các tác phẩm của bà tập trung phản ánh đời sống, cuộc chiến đấu của những con người trẻ tuổi trên tuyến đường Trường Sơn, ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất và tinh thần của họ. Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của bà thời kì kháng chiến chồng Mĩ.

   Những ngôi sao xa xôi được sáng tác năm 1971 trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt. Tác phẩm không chỉ làm nổi bật cuộc sống chiến đấu gian khổ của những người chiến sĩ, của những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, mà còn làm nổi bật tinh thần anh dũng của họ. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật: Nho, Thao, Phương Định mỗi người một cá tính, một tầm hồn nhưng tựu chung đều có lòng yêu nước nồng nàn.

   Nhân vật chính trong tác phẩm là Phương Định, một cô gái người Hà Nội, trẻ trung và hội tụ trong mình biết bao phẩm chất tốt đẹp, đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì đó. Trước hết cô là một người kiên cường, dũng cảm. Cô cùng đồng đội đảm đương công việc hết sức nguy hiểm, gian khổ trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất: cô thuộc tổ trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần cô sẽ phá những trái bom đó để đảm bảo an toàn cho những chiếc xe tiến vào miền Nam. Nhiệm vụ chứa đầy sự nguy hiểm, ngay khi máy bay địch vừa đi qua cô cùng đồng đội phải lập tức lên cao điểm: “đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh đó nhiều quả bom chưa nổ”. Tình thế nguy hiểm là vậy, nhưng cô vẫn dũng cảm tiến đến hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cô đi thẳng đến chỗ những quả bom, cô chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình, tất cả các giác quan trở nên tinh nhạy hơn bao giờ hết. Tinh thần trách nhiệm cùng với sự kiên cường dũng cảm khiến cái chết trở nên mờ nhạt, cũng có đôi lúc cô nghĩ đến cái chết “nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, điều Phương Định quan tâm nhất là: “liệu mìn có nổ? bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”, tuyệt nhiên cái chết không phải mối bận tâm hàng đầu của cô. Tinh thần ấy, vẻ đẹp ấy tiêu biểu cho sự quả cảm, gan dạ của nữ chiến sĩ thanh niên xung phong. Đằng sau sự dũng cảm, kiên cường lại là một tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng và giàu tình yêu thương. Dù đã vào chiến trường ba năm, trải qua nhiều thử thách, khó khăn, gian khổ nhưng Phương Định vẫn giữ vẹn nguyên thế giới tâm hồn mình, cô mang trong mình nét hồn nhiền, mơ mộng, trẻ trung. Cô tự nhận mình “là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm và một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, qua những lời tự nhận xét ấy, cho thấy Phương Định là một cô gái xinh đẹp và rất tự tin về bản thân. Đặc biệt cô rất thích hát ở nhiều thể loại khác nhau, thậm chí cô còn tự bịa ra để hát. Tâm hồn cô luôn trẻ trung, tươi vui dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Cô còn là một cô gái tinh tế, nhạy cảm, trước một cơn mưa đá bất chợt cô vui sướng như con trẻ, hồi tưởng về quá khứ, về tuổi thơ, về căn nhà nhỏ của mình ở Hà Nội. Không chỉ vậy, Phương Định còn là tình cảm gắn bó sâu nặng và tình yêu thương, sự quan tâm với những đồng đội của mình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong lần Nho bị thương, cô cẩn thận, kĩ lưỡng chăm sóc cho cô em gái nhỏ. Tất cả những yếu tố trên đã cho thấy một Phương Định nhạy cảm, tinh tế, hồn nhiên nhưng cũng không kém phần dũng cảm, gan dạ.

   Ngoài Phương Định ta cũng không thể không nhắc đến một chị Thao cứng cỏi, điềm tĩnh nhưng lại có những nét rất con gái, rất yếu mềm. Những lúc sắp bước vào cuộc chiến chị bình tĩnh đến phát bực “móc bánh quy trong túi, thong thả nhai”, trở về từ trận địa chị vẫn bình thản như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng chị lại có những nét rất con gái, chị tỉa lông mày nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ, dù không biết hát nhưng chị lại có những ba quyển sổ tay chép dày đặc những lời bài hát, đặc biệt mỗi lần nhìn thấy máu chị tái mét mặt. Lần Nho bị thương, chị vừa lo lắng, lại vừa sợ hãi khi thấy máu, “mắt mở to, mờ trắng đi như không còn sự sống”, luống cuống muốn gọi điện về đơn vị. Tất cả những hành động cử chỉ ấy cho thấy tình yêu thương, sự quan tâm, tinh thần đồng đội sâu nặng ở chị. Bên cạnh đó hẳn chúng ta cũng không thể nào quên cô bé Nho, em út của đội, luôn được các chị cưng chiều, quan tâm. Nho mang vẻ xinh xắn, nhẹ nhõm, dễ thương, cô như một cây kem nhỏ trắng, mà ai cũng muốn ôm ấp và bế trên tay. Nhưng cô cũng hết sức mạnh mẽ, can đảm. Đối mặt với bom đạn chiến tranh cô không hề sợ hãi, khi bị thương không hề kêu rên, cô không về viện quân y mà bám trụ cùng đồng đội đến cùng.

   Tác phẩm kể ở ngôi thứ nhất, theo điểm nhìn của nhân vật Phương Định. Sự lựa chọn ngôi kể như vậy phù hợp với nội dung của tác phẩm, tạo điều kiện để tác giả biểu hiện thế giới nội tâm và những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật, cũng như khắc họa được sự hồn nhiên, lạc quan giàu tình cảm của ba cô gái trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Không chỉ vậy nó còn tạo ra độ tin cậy lớn cho người đọc về tính chân thực của câu chuyện vì người kể cũng là người tham gia, chứng kiến câu chuyện. Ngôn ngữ tự nhiên, giàu chất khẩu ngữ, lời thoại ngắn, sử dụng câu đặc biệt, rút gọn. Lời kể với nhịp điệu linh hoạt: có khi dùng câu văn ngắn, nhịp nhanh phù hợp với không khí căng thẳng, khẩn trương ở chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỉ niệm thời niên thiếu, vô tư, không khí thanh bình trước chiến tranh.

   Tác phẩm đã khắc họa thành công những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ là: Nho, Thao, Phương Định. Họ trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Qua đó, ngợi ca tâm hồn trong sáng, tính cách dũng cảm và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn.