Đề bài:Phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao

Bài văn mẫu

   Dân tộc Việt Nam có kho tàng ca dao vô cùng phong phú đa dạng, ca dao như dòng suối ngọt mát lành nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc ta. Trong đó, chủ đề người phụ nữ đã góp phần làm dóng suối ấy thêm ngọt ngào mà dào dạt cảm xúc. Hình ảnh của những người phụ nữ được thể hiện qua ca dao rất đậm nét.

   Có thể nói, trong xã hội phong kiến người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Nhưng trong ca dao, dân ca họ được hiện lên với những vẻ đẹp hoàn thiện từ thể chất lẫn tâm hồn. Trước hết, qua ca dao, những người phụ nữ được hiện lên với vẻ đẹp thể chất rất riêng nhưng vô cùng giản dị, đằm thắm, duyên dáng.

    Ai xui má đỏ môi hồng

    Đẻ anh nhác thấy đem lòng thương yêu

   Hay như trong bài ca dao “Mười thương”, người phụ nữ Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp truyền thống mà gây thương gây nhớ cho bao chàng;

    Một thương tóc bỏ đuôi gà,

    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

    Ba thương má lúm đồng tiền,

    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

    Năm thương cổ yếm đeo bùa,

    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.

    Bảy thương nết ở khôn ngoan,

    Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

    Chín thương em ở một mình,

    Mười thương con mắt đưa tình với anh.

   Bên cạnh đó, phẩm chất sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam cũng được ca ngợi, đề cao. Người phụ nữ rất mực đoan trang, hiền hậu, khéo léo, khôn ngoan. Khi được hỏi về duyên tình, người phụ nữ thường đối đáp lịch sự, duyên dáng:

    Tiện đây mận mới hỏi đào

    Vườn hồng đã có ai vào hay chưa

    Mận hỏi thì đào xin thưa

    Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

   Đôi lúc bị trêu ghẹo, có những cô nàng “ghê gớm” cũng ứng xử rất mực thông minh, khôn khéo, tránh để cho chàng trai xấu mặt:

    Bao giờ trạch đẻ ngọn đa

    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình

    Bao giờ cây cải làm đình

    Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta

   Họ còn hiện lên với vẻ đẹp của tấm lòng thủy chung son sắt, một lòng một dạ với người cũng kết tóc se duyên:

    Thuyền về có nhớ bến chăng

    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

   Không chỉ thủy chung, người phụ nữ Việt Nam còn sẵn sàng hi sinh vì con, vì chồng, chăm lo, vun vén cho gia đình:

    Nuôi con chẳng quản chi thân,

    Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

   và

    Có con phải khổ vì con

    Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng

   Người phụ nữ Việt Nam còn rất mực hiếu thuận, yêu thương cha mẹ của mình.

    Mẹ ơi đừng đánh con đau,

    Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.

   Cho dù đã đi lấy chồng nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ cha, nhớ mẹ nhất là những người phụ nữ đi lấy chồng xa:

    Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

    Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

   Không chỉ có vậy, người phụ nữ còn biết chịu thương, chịu khó, không quản khó nhọc nuôi chồng ăn học thành tài:

    Canh một dọn cửa, dọn nhà.

    Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.

    Canh tư bước sang canh năm,

    Anh ơi dậy học chớ nằm làm chi.

    Mốt mai chúa mở khoa thi,

    Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.

    Bõ công cha mẹ sắm sanh,

    Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.

   Tuy nhiên, qua ca dao, người phụ nữ Việt Nam cũng chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay, hờn tủi. Họ mang lời than thân của mình vào lời ca dân gian. Tuy chăm chồng, chăm còn, chung thủy một lòng nhưng họ không tự mình quyết định được số phận của mình:

    Thân em như dải lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

   Có những người vì không được quyết định số phận của mình nên tình duyên dang dở, mang theo nỗi buồn không thể nói cùng ai:

    "Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

    Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

    Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa

    Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,

    Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

    Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan"…

   Lấy chồng, đời người phụ nữ chịu nhiều bó buộc, không thể thoát ra:

    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

    Chim vào lồng biết thuở nào ra

   Không chỉ có vậy, người phụ nữ chịu cảnh làm dâu nhiều nghẹn ngào, tủi thân:

    Làm dâu khổ lắm ai ơi,

    Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

   Gặp phải người chồng vũ phu, cuộc đời người phụ nữ lại càng thêm tăm tối:

    "Cái cò là cái cò quăm

    Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"

   Có khi bị chồng phụ bạc:

    "Nhớ xưa anh bủng anh beo

    Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh

    Bây giờ anh mạnh anh lành

    Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi."

   Như vậy, có thể thấy qua ca dao, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên cụ thể, rõ nét, sinh động. Ngày nay, xã hội ngày một phát triển, những người phụ nữ “hồng nhan” nhưng đã không còn “bạc mệnh” nữa. Họ được dối xử công bằng hơn, cuộc đời họ cũng hạnh phúc hơn. Và những câu ca dao về người phụ nữ vẫn là kho báu, là viên ngọc sáng để thế hệ sau biết và hiểu hơn về các bà, các mẹ của mình.