Đề bài:Thuyết minh về cây cau, quả cau

Bài văn mẫu

   Trong khung cảnh làng quê xưa, không khó để bắt gặp hình ảnh những hàng cây cau cao chót vót ngay cạnh sân vườn của các hộ gia đình. Từ xa xưa, cây cau đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh làng quê Việt Nam.

   Cây cau đã gắn bó với người dân Việt Nam từ rất lâu đời, được dân gian đưa vào câu chuyện “Sự tích trầu cau” để lí giải về sự xuất hiện của một loại quả mà từ lâu đã không thể thiếu trong mỗi dịp đám hỏi, đám tang.

   Cây cau có hình dáng hơi giống cây dừa. Thân cây có những đốt vòng tròn-vết tích của mỗi lần cây thay lá, ra hoa. Thân dưới gốc cây to rồi từ từ hẹp lại về phía trên ngọn với những tàu lá rộng giống những chiếc lược không lồ phất phơ trước gió.

   Trong kí ức tuổi thơ có ai còn nhớ? Khi tàu lá cau khô héo rụng xuống, đó là lúc lũ trẻ tranh nhau ngồi lên tàu lá rồi kéo nhau đi khắp nẻo đường ngõ xóm, hết lượt này ngồi lại tới lượt khác. Mọi người tranh giành nhau để được ngồi lên “con thuyền hạng sang”.

   Khi cây cau trưởng thành sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa cau có màu trắng, tỏa ra hương thơm không gay mũi như hoa sữa, hoa nhài,… Hoa cau mang một mùi thơm dịu nhẹ rất riêng mà chỉ khi làn gió nhẹ thổi qua ta mới có thể cảm nhận được. Quả cau hình tròn hoặc hơi dài được kết thành buồng, khi lớn mang một màu xanh đậm, cùi vàng, nhân quả màu nâu. Lúc này, quả cau đã có thể phối cùng vôi, lá trâu thở thành “đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên hay những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay...

   Cau được các bà, các mẹ cắt đầu, dùng dao bóc đi lớp vỏ xanh nhưng không được bóc đứt mà lớp vỏ vẫn được giữ nguyên trên quả như những cánh hoa. Sau đó đem bổ làm 4 hoặc 6 miếng đặt lên lá trầu đã được têm hình cánh phượng, bên cạnh là hũ vôi để thêm vào khi ăn tạo ra hương vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm.

   Ngày nay, đất nước phát triển, phong tục tập quán thay đổi, người ăn trầu ngày càng ít đi nhưng không vì thế mà quả cau mất đi giá trị của mình. Trong mỗi dịp lễ cưới, lễ hỏi,… vẫn không thể thiếu sự hiện diện của những buồng cau mang những ý nghĩa tốt đẹp.

   Trong bài thơ “Tương tư” Nguyễn Bính đã viết:

   “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.

   Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”

   Hay trong bài thơ “Khách đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến, hình ảnh trầu cau cũng được nhắc tới trong câu thơ:

   “Đầu trò tiếp khách, trầu không có.

   Bác đến chơi nhà, ta với ta”.

   Quả cau, lá trầu vẫn luôn gắn bó thân thiết với con người Việt Nam, trải qua nhiều năm thời gian lịch sử, đi vào trong các câu thơ trang văn. Hơn thế ữa, trầu cau còn trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc.