Đề bài:Nêu cảm nghĩ về một bài thơ, một nhà thơ mà anh chị yêu thích

Bài văn mẫu

   Chế lan Viên là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập “Điêu tàn” năm 1937. Ông là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam thế kỉ XX. Năm 1962 ông sáng tác bài thơ: “Con cò”, bài thơ được in trong tập “Hoa ngày thường – Chim bão bão” (1967). Với việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy nghĩ sâu xa, bài thơ “Con cò” khai thác hình tượng con cò trong bài hát ru, qua đó ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru trong cuộc đời của mỗi con người.

   Trong văn chương nghệ thuật, có lẽ thơ ca là thứ mang lại nhiều xúc cảm nhất. Trong bài thơ: “Con cò” cũng vậy, mạch cảm xúc của bài thơ được vận động theo ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò, bắt đầu từ hình ảnh con cò trong ca dao theo lời ru của mẹ đi vào tiềm thức trẻ thơ, rồi đến hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nâng niu, chăm chút của người mẹ dành cho suốt cuộc đời, và cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò. Đọc bài thơ, chúng ta cảm nhận thấy hình ảnh con cò bao quát toàn bộ bài thơ được khai thác từ trong ca dao truyền thống và được tác giả phát triển, xây dựng thành ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, và ý nghĩa của lời hát ru trong cuộc đời mỗi người. Từ những cánh cò bay lả bay la dọc theo chiều dài của những cánh đồng lúa xanh tít tắp, bay về những mái nhà tranh bình yên. Hình ảnh con cò gợi cuộc sống xưa cũ từ làng quê đến phố xá, thong thả, bình yên, ít biến động. Cuộc sống ấy là quê hương thân yêu với cánh cò trải rộng. Hình ảnh con cò là nét rất riêng, rất duyên dáng, dịu dàng, đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Con cò ấy phải chăng là hồn của quê hương mà mẹ gửi vào giấc ngủ của đứa con.

   Cảm nhận đầu tiên về hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ là con “Cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng”. Hình ảnh ấy dường như chính là hình ảnh con cò trong ca dao:

    “Con cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

   hay

    “Cái cò lặn lội bờ sông

    Gành gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.”

    Đó phải chăng là cánh cò tần tảo, là hình ảnh người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lăn lội kiếm sống nuôi chồng, nuôi con. Đây không còn là con cò trắng vô tư lự mà đã trở thành biểu tượng của người nông dân vất vả, cực chẳng đã, thậm chí còn vất vả hơn khi cò gặp cành mềm.

   Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tâm hồn tuổi thơ ấy một cách vô tư. Ở tuổi ấu thơ, đứa trẻ chưa cần hiểu và chưa cần hiểu nội dung, ý nghĩa của những lời ru này: “Con chưa biết con cò con vạc. Con chưa biết những cành mềm mẹ hát”. Chúng chỉ được vỗ về trong âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru để đón nhận tình yêu vô bờ bến và sự che chở của người mẹ: “Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”. Nhịp 2 vẫn đóng mở ngân vang, xen lẫn nhau trong từng vần thơ kết hợp với phép tu từ nhân hóa và so sánh đã tạo nên vẻ đẹp cho câu thơ, làm cho ý thơ thêm sâu sắc. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống, bằng giấc ngủ say nồng của trẻ thơ.

   Không những thế, hình ảnh con cò đi vào trong tâm hồn trẻ thơ cùng với âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru trở nên gần gũi và sẽ theo con suốt chặng đường đời. Từ lời ru của mẹ con cò bước ra làm quen với đứa con bé bỏng. Thế rồi con cò trở thành người thân thiết, gần gũi. Khi còn ở trong nôi “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ. Cánh của cò hai đứa đắp cung đôi”. Khi con đi học: “Mai khôn lớn con theo cò đi học. Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân. Và con đã trưởng thành: “Cành cò trắng lại bay hoài không nghỉ. Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn”. Chao ôi! Con cò đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết hơn bất kì người bạn nào. Cánh cò ấy dường như tung bay theo từng ước mơ, khao khát của con. Hình ảnh con cò là biểu tượng về lòng mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, bền bỉ của mẹ và mẹ mong con có tâm hồn yêu quê hương.

   Phải thực sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ Chế Lan Viên mới có thể khái quát một quy luật tình cảm có ý nghĩa sâu sắc và bền vững: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Câu thơ gợi nhiều xúc cảm nhất trong cả bài là đây chứ đâu. Ôi! Có gì cao hơn núi, có gì sâu hơn biển và có gì bao la bằng tình mẹ yêu con. Lòng mẹ bao la, tình mẹ sâu thẳm, cả cuộc đời này, dù con có vấp ngã, có đớn đau hay thành công, hạn phúc… Bất kể con như thế nào, con có ra sao thì mẹ vẫn mãi mãi theo con đến hết cuộc đời này.

   Bằng cách khai thác hình ảnh con cò trong ca dao kết hợp với các hình ảnh đặc sắc, biện pháp tu từ ấn tượng cũng giọng văn tình cảm, giàu chất triết lý, suy ngẫm. Bài thơ ‘Con cò” đã thực sự gợi được vào cảm xúc của động giả. Chỉ một con cò trong lời ru của mẹ thôi mà ẩn chứa bao bài học, bao ý nghĩa về cuộc đời, về tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Bài học ấy, ý nghĩa ấy đến với những người con thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Không có lời ru của mẹ, không có mẹ, cuộc đời con thiệt thòi, nghèo nàn biết mấy.