Chuyên mục: Mục lục Văn nghị luận

Đề bài: Tục ngữ có câu Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết” Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối. Và dại khờ là những lũ người câm. Trên đường đi như những bóng thầm nhận đau khổ mà gửi vào im lặng. Mỗi nhận xét trên đúng trong trường hợp nào.

Bài văn mẫu

   Tục ngữ có câu “Im lặng là vàng”, nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết: “Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối. Và dại khờ là những lũ người câm. Trên đường đi như những bóng thầm nhận đau khổ mà gửi vào im lặng”. Hai quan điểm ấy tưởng như mâu thuẫn nhau nhưng thực ra không phải. Bởi trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, trong cách ứng xử, con người sẽ thấy hai quan điểm ấy cùng đúng.

   Trước hết, cần làm rõ câu tục ngữ: “Im lặng là vàng”. “Vàng” vốn dĩ là một vật có giá trị cao. Nói “Im lặng là vàng” nhằm đề cao vai trò của sự im lặng trong cuộc sống của mỗi con người. Thế nhưng ngược lại, câu thơ của Tố Hữu lại cho rằng những “người câm” (bao gồm cả những người không thể nói và không nói) là “lũ dại khờ”, có nghĩa rằng ông đang phê phán những người không biết bày tỏ quan điểm , ý kiến, chỉ biết im lặng, cam chịu, nhẫn nhục. Trong thực tế, hai quan điểm ấy đều giúp con người có kĩ năng trong xử lí, ứng xử các tình huống.

   “Im lặng là vàng” là một kinh nghiệm quý báu. Trong cuộc sống, đôi khi sự im lặng sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn. Khi im lặng, ta có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn. Hãy thử nghĩ một chút, khi đồng nghiệp nhận xét góp ý về công việc của chúng ta, sẽ thật bất lịch sự nếu chúng ta không im lặng lắng nghe mà chỉ chăm chăm phản bác. Khi chúng ta sai một lỗi nào đó và bị khiển trách, sự im lặng lắng nghe sẽ thể hiện việc ăn năn hối lỗi, ta im lặng khi người khác phát biểu là cách ta tôn trọng người phát biểu và nâng cao giá trị nhân cách của chính bản thân mình. Khi chúng ta làm việc tốt, làm từ thiện chúng ta chẳng cần quảng bá rùm beng, mà lúc đó đôi khi, sự im lặng âm thầm sẽ càng làm tấm lòng ta thêm cao đẹp…

    “Im lặng” ở đây không phải đơn thuần là không nói ra mà có ý nghĩa là không làm gì cả. Thế nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào “im lặng” cũng là “vàng”. Im lặng trong nhiều trường hợp, như Tố Hữu nói, sẽ là dại khờ. Câu thơ của Tố Hữu thể hiện sự đề cao vai trò của việc bày tỏ quan điểm cá nhân. Trong một nhóm học tập, khi nhận được yêu cầu thảo luận phát biểu ý kiến mà chúng ta cứ im thì khi đó nó không còn là “vàng” nữa mà chỉ thể hiện sự thụ động, yếu kém.. Nếu đi đường gặp tai nạn giao thông hay gian lận trộm cắp, nếu ta im lặng thờ ơ thì chứng tỏ chúng ta đang tiếp tay cho tội ác, bản thân chúng ta sẽ trở thành những người hèn nhát, nhu nhược. Quay trở về quá khứ, nếu như lúc trước, khi chứng kiến đất nước bị thực dân xâm chiếm, nếu như ai cũng không làm gì cả, đất nước sẽ ra sao?. Khi ta chứng kiến một người gặp khó khăn mà bản thân không làm gì cả thì chúng ta trở thành kẻ vô lương tâm, máu lạnh, không có nhân tính. Nếu học sinh phát biểu ý kiến tốt, thay vì khen mà chúng ta lại im lặng sẽ mang lại những tác điều không tốt, học sinh sẽ không tích cực phát biểu, tiết học sẽ trôi qua ảm đạm không có sự sôi nổi. Sự im lặng kéo dài quá lâu sẽ khiến con người không thể hiện được khả năng của mình, không khám phá được bản thân, không phát triển được bản thân, rồi con người sẽ sống lặng lẽ như chiếc bóng lay lắt trong cuộc đời, không có bản ngã.

   Cần phải khẳng định rằng “im lặng là vàng” trong nhiều trường hợp là một điều đáng quý nhưng biết lúc nào thực sự cần im lặng lại đáng quý hơn. Chúng ta không thể im lặng trước những tình huống cần tiếng nói hay hành động của chúng ta được. Ngược lại, những lúc cần thiết phải im lặng, cũng không thể cứ khăng khăng bày tỏ quan điểm chỉ vì suy nghĩ “Và dại khờ là lũ người câm”. Hãy biết bày tỏ quan điểm cá nhân và im lặng đúng cách. Chúng ta sinh ra vốn có hai khả năng là lắng nghe và bày tỏ quan điểm qua lời nói. Hãy làm sao để luôn có những cách ứng xử đẹp có như vậy những điều tốt đẹp mới đến với mỗi người.