Đề bài: Phân tích đoạn trích Hai cây phong của Ai-ma-tốp.

Bài văn mẫu

   Hai cây phong là đoạn trích ở phần đầu truyện Người thầy đầu tiên của nhà văn Ai-ma-tốp. Đoạn trích đã miêu tả vẻ đẹp nên thơ, đầy sức sống của cây phong và tâm trạng bồi hồi, xúc động của nhân vật “tôi” – họa sĩ khi được trở về làng.

   Hai cây phong là hình tượng trung tâm của bài, qua hình ảnh hai cây phong cho thấy sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, rộng ra là với quê hương, xứ sở. Hai cây phong trong cảm nhận của nhân vật tôi trước hết mang vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ. Hai cây phong ấy cao lớn giữa ngọn đồi, nhìn chúng như những ngọn hải đăng, định hướng cho mọi người mỗi khi về làng. Nhưng hai cây phong ấy cũng có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Tiếng lá reo như tiếng thì thầm khi tha thiết khi nồng nàn có khi lại như tiếng thở dài. Không chỉ vậy hai cây phong còn là nơi hội tụ của lũ trẻ. Dưới gốc cây chúng vui vẻ đùa giỡn, còn trên cao tít cây phong lại mở ra trước mắt chúng một thế giới lung linh huyền ảo như thế giới cổ tích với dải thảo nguyên hoang vu như mất hút trong làn sương mờ đục, những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mỏng mảnh.

   Hai cây phong là một phần quan trọng, không thể thiếu đối với cuộc sống của bất cứ ai nơi đây: “Dù ai đi từ phía nào đến làng Ku-ku-rêu chúng tôi cũng đều trông thấy hai cây phong đó trước tiên” “tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”. Hai cây phong trở thành người bạn tâm giao, tri âm, tri kỉ của họa sĩ: “Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Như vậy cây phong là tín hiệu để mỗi đứa con khi về làng định hướng. Qua những lời tâm sự đó ta còn thấy sự gắn nó tha thiết, sâu nặng của tác giả với hai cây phong, với cảnh vật quê hương.

   Không chỉ vậy, hai cây phong còn là biểu tượng của lòng biết ơn với người thầy tận tâm Đuy-sen. Kết bài là những băn khoăn của nhân vật “tôi”: “Ai là người đã trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy đã ước mơ gì, đã nói những gì trước khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao?”. Những băn khoăn cũng như lời khẳng định về công lao to lớn của thầy Đuy-sen: khi trồng hai cây phong thầy đã gửi gắm bao khát khao, hi vọng những đứa trẻ nghèo khổ sẽ trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy Đuy-sen – người thầy đầu tiên đã vun trồng ước mơ, niềm tin cho các thế hệ học trò.

   Tác phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa miêu tả với tự sự, biểu cảm: hình ảnh hai cây phong được miêu tả gắn với những chi tiết về kỉ niệm tuổi thơ; phong cảnh thiên nhiên được miêu tả bằng ngòi bút đậm chất hội họa nên vừa giàu chất tạo hình lại vừa thấm đẫm cảm xúc chân thành, đằm thắm. Ngôn ngữ kể chuyện đặc sắc, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, khi xưng tôi, khi xưng chúng tôi. Hai mạch kể vừa phân biệt, vừa lồng vào nhau, khiến câu chuyện hấp dẫn, thú vị hơn.

   Bằng lời văn thấm đẫm chất trữ tình, miêu tả đậm chất hội họa, tác phẩm đã cho thấy sự gắn bó sâu nặng, tình yêu quê hương tha thiết của nhân vật tôi với quê hương, đặc biệt là với hai cây phong. Đồng thời văn bản còn thể hiện lòng biết ơn với thầy Đuy-sen người đã vun đắp, mơ ước, hi vọng cho trẻ em nơi đây.