Chuyên mục: Văn nghị luận xã hội

Đề bài: Ca dao có câu:

   "Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

Theo em, câu ca dao trên có ý nghĩa như thế nào?

Bài văn mẫu

    “BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG

    TUY RẰNG KHÁC GIỐNG NHƯNG CHUNG MỘT GIÀN”

   “Trái bầu xanh, trái bí xanh theo gió trong lành cất tiếng hát vui chung. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”. Lời bài hát được phổ nhạc theo câu ca dao quen thuộc kia đã ngân nga khắp nơi để ươm mầm cho thứ tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống đó chính là tình thương. Ông cha ta đã giáo dục thế hệ sau về sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau qua những hình ảnh giản dị gần gũi thông qua câu ca dao”

    “Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

   Chúng ta ắt hẳn không còn xa lạ với hình ảnh bầu bí, hai thứ quả, hai món thức ăn quen thuộc trong đời sống thường ngày. Đặc điểm sinh học của hai loại này là thân leo, thường được trồng cùng nhau trên một giàn hoặc leo lên cùng một cây. Chúng có cùng môi trường và điều kiện sống. Thân bí mềm, thân bầu cũng mềm, phải dựa vào giàn tre và vào nhau để phát triển, chính vì thế mà chúng trở nên gần gũi, thân thiết với nhau.

   Vì “chung một giàn” nên bầu bí đều cùng nhau trải qua nắng mưa, cùng nhau đơm hoa kết trái. Tuy rằng trái bầu thì tròn, trái bí thì dài nhưng đều cùng lớn lên với nhau nên bầu và bí đều cùng nhau kết lại, đan chặt vào nhau tạo nên hoa trái cho đời.

   Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng lại là câu chuyên con người, chuyện cuộc đời. Ông cha ta đã khuyên con cháu một lời khuyên chân thành, kín đáo mà tha thiết, tế nhị qua hai câu ca dao này.

   Mỗi chúng ta đều có những nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có nhiều điểm giống nhau. Anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra, bạn bè cùng nhau đi học chung một trường, những người sống cùng với nhau trong một xóm làng,...tất cả có thể trở nên gắn bó thân thiết đều dựa vào chất keo là tình thương. Trong cuộc sống hằng ngày nếu chúng ta biết san sẻ, nhường nhịn nhau, đùm bọc nhau thì cuộc sống sẽ trở nên ấm áp, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương. Không một cá thể nào có thể tồn tại nếu sống tách biệt, riêng lẻ với xã hội. Vì thế, chúng ta luôn cần đến sự tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống cho dù không cùng một điều kiện và một điểm khởi đầu.

   Cha ông ta ngày xưa dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu thương lẫn nhau vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chúng ta mãi nhớ về trận đói năm 1945 với những mất mát đau thương nhưng cũng không bao giờ quên những cuộc phát động nhường cơm sẻ áo diễn ra rất sôi nổi. Đồng bào ta sẵn sàng bớt đi những bữa cơm cuối cùng để cho nhau bữa cháo. Hay những trận lũ lụt cũng đã bớt dần đi nhờ công cuộc hộ đê của nhân dân. Từ những ngày khó khăn, đói kém nhất cho đến ngày no đủ, mọi thứ có thể khác đi duy chỉ có tình thương là còn mãi.

   Truyền thống tốt đẹp của cha ông ta ngày xưa cho đến nay vẫn được con cháu noi theo và phát huy. Đó là những hoạt động thiện nguyện không ngừng nghỉ của những nhà hảo tâm dành cho các bạn nhỏ khó khăn vùng cao tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu,... ủng hộ sách vở, áo ấm, thức ăn để giúp các em vượt qua mùa đông lạnh giá và có một cái tết ấm no. Đó là sự hỗ trợ kịp thời thuốc men, thức ăn, những vật dụng cần thiết cho đồng bào lũ lụt tại miền Trung khi mỗi mùa mưa bão về. Chúng ta cũng có thể thấy tình yêu thương được lan tỏa thông qua các hành động giúp đỡ người vô gia cư, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ của rất nhiều cá nhân và đoàn thể. Còn rất nhiều hoạt động san sẻ ý nghĩa khác vẫn diễn ra hằng ngày mà chúng ta chưa thể nói hết, chỉ có thể khẳng định một điều rằng trong cuộc sống này những điều tốt đẹp xuất phát từ tình yêu thương vẫn đang còn hiện hữu và sẽ không ngừng lan tỏa.

   Với đặc điểm là một nước thuần nông nên dân tộc ta có sự gắn kết công đồng rất chặt chẽ. Mối quan hệ đó đã làm cho ngọn lửa tình thương trong mỗi con người không bao giờ ngừng cháy, dân tộc ta đã coi đó là một truyền thống quý báu truyền từ đời này sang đời khác.

   Hiện nay cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, con người chú trọng đến cái tôi, cái riêng nhiều hơn nhưng truyền thống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau vẫn có giá trị trường tồn. Điều đó đã làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.