3 bài văn mẫu Kể về một lần em mắc lỗi hay nhất

Đề bài: Kể về một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài ...).

Bài văn mẫu 1

   Cuối năm học vừa qua, em được nhận phần thưởng Học sinh xuất sắc. Thầy cô và bạn bè khen ngợi nhưng cũng chính những lời khen ấy lại làm cho em xấu hổ vô cùng. Chuyện là thế này:

   Em vốn là học sinh giỏi Toán. Bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm 9, điểm 10. Mỗi lần thầy yêu cầu xướng điểm, em trả lời rất rành rọt trước sự thán phục của bạn bè trong lớp. Một hôm, trong giờ ôn tập, em chủ quan không học bài cũ. Theo thường lệ, thầy giáo gọi học sinh lên bảng. Em đã có điểm kiểm tra miệng nên tin chắc là thầy sẽ chẳng gọi đến mình. Vì vậy em ung dung ngồi ngắm trời qua khung cửa sổ và tưởng tượng đến trận đá bóng chiều nay giữa đội lớp em với lớp 6B.

   Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra. Thầy giáo yêu cầu cả lớp lấy giấy ra làm bài. Biết làm sao bây giờ? Mọi khi làm bài một tiết, thầy thường báo trước. Còn hôm nay, sao lại thế này? Đây đó trong lớp nổi lên tiếng xì xào thắc mắc của một số bạn. Em ngơ ngác nhìn quanh một lượt. Bạn Hoa ngồi cạnh huých cùi tay vào sườn, nhắc nhở: Kìa, chép đề đi chứ!

   Em có cảm giác là tiết kiểm tra như kéo dài vô tận. Em loay hoay viết rồi lại xóa. Vì mất bình tĩnh nên đầu óc cứ rối tinh lên. Thời gian đã hết, em nộp bài mà lòng cứ thắc thỏm, lo âu.

   Tuần sau, thầy giáo trả bài. Như mọi lần, em nhận bài từ tay thầy để phát cho các bạn. Liếc qua bài mình, thấy bị điểm 3, tim em thắt lại. Em không để cho ai kịp nhìn thấy và cố giữ nét mặt thản nhiên. Vẻ mặt ấy che giấu bao nhiêu bối rối trong lòng. Thật là chuyện chưa từng có. Ăn nói làm sao với thầy, với bạn, với bố mẹ bây giờ? Em quay cuồng lo nghĩ và bất chợt nảy ra một ý ...

   Thầy giáo gọi điểm vào sổ. Đến tên em, em bình tĩnh xướng to: Tám ạ! Thầy gọi tiếp bạn khác. Em thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ chắc thầy giáo sẽ không để ý vì có gần chục bài bị điểm kém cơ mà!

   Để xóa sạch mọi dấu vết, tối hôm ấy, em làm lại bài rồi lấy bút đỏ ghi điểm 8 theo nét chữ của thầy. Ngày qua ngày, cứ nghĩ đến lúc thầy giáo yêu cầu xem lại bài mà em lạnh cả người. May sao, mọi chuyện rồi cũng trôi qua và tưởng chừng em đã quên bẵng chuyện ấy.

   Cuối năm, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi chân thành, vẻ hài lòng và tự hào của cha mẹ… Tất cả những điều ấy vô tình khơi dậy sự day dứt và xấu hổ trong em. Em không xứng đáng. Em muốn nói lên sự thật xấu xa ấy nhưng không đủ can đảm.

   Thời gian đã đẩy lùi mọi chuyện vào dĩ vãng nhưng nỗi ân hận vẫn còn nguyên đó. Giờ em kể lại chuyện này mà lòng chưa hết day dứt. Mong thầy cô, cha mẹ và các bạn tha thứ cho em. Em hứa không bao giờ mắc lỗi lầm đó nữa.

Bài văn mẫu 2

   Khi còn nhỏ, em đã từng nói dối ông nội – người mà em kính trọng nhất. Mặc dù câu chuyện đã lùi vào quá khứ nhưng mỗi khi nghĩ lại, em vẫn cảm thấy áy náy và có lỗi với ông.

   Năm em học lớp 4, trong lớp em mỗi bạn đều có một bộ đồ chơi riêng để đem đến lớp khoe với nhau, bạn thì có bộ ghép hình, bạn thì có búp bê công chúa với tủ quần áo nhỏ xinh, bạn thì có gấu bông, ... Nhưng món đồ chơi em đặc biệt thích chính là những hộp slime. Trong hộp sẽ có nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn lại có slime dẻo với nhiều màu sắc khác nhau. Thỉnh thoảng em có mượn được của các bạn để chơi, em có thể chơi với nó cả ngày mà không thấy chán. Em thật sự muốn có một hộp slime như thế cho riêng mình. Em quyết định phải về nhà xin tiền mẹ để mua bằng được món đồ mình thích. Thế nhưng, khi nghe em đòi mua, mẹ em đã phản đối ngay:

   - Chơi slime không tốt cho sức khỏe đâu con ạ. Con có biết trong đó có bao nhiêu chất độc hại không. Hơn thế nữa, nếu con có đồ chơi rồi con chỉ mải chơi thôi, không tập trung vào học hành được!

   Lúc đó em thấy vừa buồn vừa uất ức, em còn nghĩ bụng: “Chắc vì mẹ không muốn mua cho em nên mới nói như vậy. Đồ chơi thì làm gì có chuyện gây độc hại đến sức khỏe chứ”. Từ hôm đó, em trăn trở mãi về việc này. Em cũng không có tiền tiêu vặt như những bạn khác nên không biết làm thế nào để tự mua đồ chơi cho mình. Em chợt nghĩ đến việc xin tiền ông nội để mua đồ chơi. Trong nhà, ông luôn là người cưng chiều em nhất. Thế nhưng nếu nói mua slime chắc chắn ông cũng sẽ phản đối như mẹ thôi. Em quyết định sẽ nói dối ông là xin tiền đi nộp tiền ủng hộ các bạn học sinh nghèo.

   Chiều hôm ấy, khi thấy ông đang chăm mấy chậu cây cảnh ngoài ban công em liền chạy ra đấy để trò chuyện với ông như mọi ngày. Lúc đó em cứ đắn đo mãi không biết có nên thực hiện ý định của mình không. Sau một hồi suy nghĩ, em quyết định nói dối ông. Vì nghĩ em dùng tiền đó đi ủng hộ các bạn khó khăn nên ông em không hỏi thêm mà chỉ xoa đầu em đầy trìu mến.

   Khi được ông cho tiền, em không nghĩ ngợi gì thêm, chỉ nghĩ đến việc ngày mai có đồ chơi em vui lắm. Hôm sau, em chạy ngay ra tạp hóa ở cổng trường mua ngay một bồ đồ chơi em khát khao bấy lâu. Hôm đó đi học về, em thấy ông đang ngồi chơi cờ và trò chuyện với ông cụ hàng xóm. Trong câu chuyện em nghe thấy ông nhắc đến em một cách đầy tự hào:

   - Con bé nó ngoan lắm ông ạ, còn nhỏ mà biết quan tâm đến người khác, hôm trước cháu còn xin tiền để ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn cơ.

   Khi nghe xong lời khen của ông em thấy xấu hổ vô cùng, mình thật không xứng đáng với niềm tin, niềm tự hào ông dành cho mình. Cầm hộp slime trên tay em chẳng còn thấy thú vị như mọi khi nữa. Em ước gì thời gian có thể quay trở lại, em sẽ không nói dối ông như vậy nữa.

   Lần đó em vẫn chưa đủ can đảm để thú nhận với ông vì sợ ông buồn. Dù chuyện đã xảy ra từ rất lâu nhưng em vẫn muốn cho ông và mẹ biết sự thật. Em nghĩ rằng cả hai người sẽ tha thứ cho em.

   Từ hôm đó, em cất gọn hộp đồ chơi ấy vào một góc tủ. Thỉnh thoảng em lại lấy nó ra nhưng không phải để chơi mà để tự nhắc nhở mình không bao giờ được dối trá, ham chơi nữa. Em phải luôn chăm ngoan, cố gắng học tập để không phụ sự mong đợi của mọi người.

Bài văn mẫu 3

   Tôi đã từng nghe rằng: "Ai trong đời rồi cũng phải cảm ơn những khiếm khuyết của mình". Mỗi chúng ta ai cũng từng ít nhất phạm sai lầm một lần trong đời. Những sai lầm ấy sẽ giúp bạn nhận ra hạn chế, khuyết điểm của bản thân, giúp ta có động lực tìm cách khắc phục, để chính mình ngày càng hoàn thiện hơn. Tôi cũng vậy, tôi đã từng mắc rất nhiều lỗi lầm khác nhau, nhưng lần mắc lỗi với mẹ khiến tôi không thể nào quên.

   Tôi còn nhớ hôm đó là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của bố mẹ, cả nhà đã rất vui mừng, hào hứng chuẩn bị cho ngày đặc biệt này. Bố đã mua một chiếc nhẫn thật đẹp để tặng người vợ yêu quý của mình. Gia đình tôi đã có một bữa tối thật đầm ấm, hạnh phúc. Nhận món quà từ tay bố và được bố cẩn thận lồng chiếc nhẫn vào tay, mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc vô hạn. Tôi cũng cảm thấy vô cùng mãn nguyện khi được chứng kiến điều đó. Chiếc nhẫn của mẹ được đính những viên đá quý lóng lánh, đẹp đẽ, ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy nó tôi đã đem lòng thích thú. Tôi hỏi xin mẹ đeo thử, sau một hồi năn nỉ cuối cùng mẹ cũng nhượng bộ cho tôi đeo một chút. Đeo chiếc nhẫn trên tay, tôi chẳng muốn rời và cứ thế đeo nó cho đến sáng hôm sau, mẹ không để ý nên tôi bèn lẻn mang chiếc nhẫn quý giá ấy đến trường.

   Tôi hãnh diện khoe khoang với bạn bè, ai nhìn thấy chiếc nhẫn cũng trầm trồ ghen tị, còn tôi thì sung sướng tự hào. Cả ngày hôm đó cứ thế trôi qua cho đến tối trở về nhà, mẹ kêu tôi đưa lại nhẫn cho mẹ. Tôi tiếc nuối sờ lên tay để lấy nhẫn trả mẹ. Thì, trời ơi, trên tay tôi không có gì cả, chiếc nhẫn đã biến mất đi lúc nào không hay. Tôi tái mét mặt, tay run lên bần bật, dưới nhà mẹ lại thúc giục tôi mang xuống. Tôi hoảng loạn thực sự, ngồi thụp xuống dưới đất, chân tôi mềm đi không còn đứng vững nữa. Tôi biết phải làm sao? Nói với mẹ thế nào đây? Trời ơi, sao tôi lại hậu đậu đến thế, món quà vô giá vừa được bố trao cho mẹ ngày hôm qua mà tôi lại đánh mất?....

   Tôi cố gắng trấn tĩnh, lục lọi trong mớ suy nghĩ hỗn độn, hoảng loạn của mình xem nó có thể rơi ở đâu. Nhưng đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Mẹ vì thấy quá lâu nên đã chạy lên phòng, thấy tôi ngồi dưới bệt dưới nền nhà thì mẹ vội vàng chạy đến hỏi. Tôi khóc nấc, nói không nên lời:

   - Mẹ ơi, con đã làm mất chiếc nhẫn bố tặng mẹ rồi? Mẹ ơi, phải làm thế nào bây giờ hả mẹ? Con xin lỗi mẹ.

   Trong dòng nước mắt nhòe trên mắt tôi vẫn đủ để thấy khuôn mặt mẹ tái đi, đôi mắt trĩu buồn và những giọt nước mắt to tướng đọng lại nơi khóe mắt chỉ chực chảy xuống. Nhìn mẹ tôi lại càng ân hận, áy náy hơn. Chỉ tại tôi, tại tính cẩu thả, hay khoe khoang mà làm mất đi món quà mẹ vô cùng yêu thích. Dù có bao nhiêu lời cầu xin tôi cũng không thể xóa hết lỗi lầm tôi đã mắc với mẹ. Mẹ nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng và động viên tôi rằng không sao đâu, rằng bố sẽ mua cho mẹ chiếc nhẫn khác. Dù nói những lời đấy nhưng tôi hiểu mẹ đã buồn biết nhường nào.

   Bố biết chuyện lòng vô cùng buồn bã, bữa cơm của gia đình tôi trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhìn bố mẹ như vậy trong lòng tôi ăn năn hơn. Tôi quyết định sau khi ăn cơm xong sẽ đi tìm chiếc nhẫn ấy về. Tôi vội vàng leo lên tầng, tìm trong cặp, trong hộp bút, trong từng quyển vở,… càng tìm tôi càng tuyệt vọng, không thấy chiếc nhẫn đâu cả. Đến lúc tôi gần như buông xuôi thì bỗng tôi thấy một ánh sáng léo lên phía cửa nhà vệ sinh, tôi chạy vội vàng vào nhà vệ sinh thì thấy chiếc nhẫn đang nằm lăn lóc ở đó. Tôi vui sướng nhảy cẫng lên và cầm chặt chiếc nhẫn trong tay. Có lẽ trong lúc tắm, tay tôi bé hơn chiếc nhẫn nên nó đã bị rơi ra từ lúc nào mà tôi không hay biết. Tôi cầm nhẫn chạy vội vàng xuống trả lại mẹ. Nhìn thấy nó, cả mẹ và bố đều sung sướng vô cùng.

   Tìm lại được chiếc nhẫn lại cho mẹ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, sung sướng. Đồng thời, qua lần ấy, tôi đã rút ra bài học cho bản thân. Khi mượn đồ của bất cứ ai cũng cần giữ gìn cẩn thận, trân trọng và gìn giữ nó như của chính mình.