Chuyên mục: Văn mẫu Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Đề bài: “Thơ là hùng biện du dương” hãy chứng minh điều đó qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

II. Thân bài

1. Khái quát chung

- “Thơ là hùng biện du dương”:

    + Hùng biện chính là đưa ra một thông tin, lí lẽ nào đó để thuyết phục người khác nghe theo ý của mình. Ngôn ngữ hùng biện thường chặt chẽ, logic và đanh thép.

    + Thơ ca có những đặc trưng riêng của thể loại, nó không tác động đến cảm xúc người nghe bằng những ngôn từ đanh thép, bằng cốt truyện li kì, ... đặc trưng của thơ chính là tính nhạc, nhịp điệu, vần và hình ảnh thơ. Bởi vậy, nói thơ là hùng biện du dương nghĩa là ngôn ngữ thơ không hề thiếu tính thuyết phục, tranh luận, nhưng đó là sự tranh luận bằng cảm xúc, bằng nhạc điệu và hình ảnh.

- Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chính là một bài thơ mang đậm tính chất “hùng biện du dương như vậy”

2. Thơ là hùng biện

- Cảm hứng sáng tác: từ xúc cảm mãnh liệt trước mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước, tác giả thể hiện khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn lao của cuộc đời.

- Bài thơ là lời hùng biện về tình yêu quê hương đất nước xứ sở

    + Tác giả thể hiện cho bạn đọc biết về tình yêu quê hương xứ sở thông qua niềm tự hào, say sưa ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên xứ sở: “Dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, con chim chiền chiện hót vang trời, ...

    + Qua niềm tự hào về một đất nước có lịch sử 4000 năm lâu bền, qua sự khẳng định niềm tin vào tương lai tươi sáng, hùng vĩ của đất nước: “đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”

- Bài thơ là lời hùng biện về khát vọng được dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của mình cho mùa xuân đất nước.

    + Trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời tác giả muốn làm những điều giản dị gần gũi như: con chim hót, nhành hoa, một nốt trầm, để tô điểm thêm cho bức tranh xuân.

    + Nguyện lặng lẽ dâng hiến mùa xuân nho nhỏ cuộc đời mình. Đó không phải khát khao của một lúc mà là cả một đời: “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là ...”

    + Đại từ “vừa” chỉ số ít vừa chỉ số nhiều, đó là tâm tư riêng của tác giả nhưng đó cũng như một lời thuyết phục tất cả mọi người cùng hòa nhập vào cuộc sống chung của đất nước.

- Nhận xét: bài thơ chính là lời hùng biện cho khát vọng được dâng hiến, khát vọng hòa cuộc đời nhỏ bé với cuộc sống tươi đẹp lớn lao.

3. Thơ là hùng biện nhưng không khô khan, đanh thép mà du dương

- Tác giả hùng biện về tình yêu quê hương đất nước thông qua những hình ảnh thơ trong trẻo, đầy sức sống, qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật trong những lời bộc lộ trực tiếp như nói chuyện với thiên nhiên: “ơi con chim chiền chiện ...mà ”

- Lời hùng biện giàu tính nhạc của bài thơ thể hiện qua nhịp điệu trong sáng trong từng khổ thơ, qua âm thanh trong khổ thơ:

    + Âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời như đọng thành “từng giọt long lanh”

    + Đó còn là âm thanh vang vọng của nhịp phách tiền, của khúc nam ai nam bình xứ Huế

    + Cả bài thơ như một khúc ca nhịp nhàng với những hình ảnh sóng đôi, những điệp ngữ được sử dụng thường xuyên: “mùa xuân”, “tất cả như”, “ta làm”.

    + Nhịp điệu bài thơ khi nhẹ nhàng sâu lắng, khi khẩn trương hăng say, giống như một khúc nhạc: đoạn đầu vui say sưa với vẻ đẹp thiên nhiên, rồi phấn trấn trước khí thế lao động của đất nước, cuối cùng trầm lắng, trang nghiêm thiết tha bộc bạch tâm niệm.

    + Thơ 5 chữ nhẹ nhàng, tha thiết mang âm hưởng dân ca

- Lời hùng biện giàu hình ảnh:

    + Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác khiên ngôn ngữ thơ đa nghĩa, giàu hình ảnh hơn: “từng giọt long lanh rơi” (giọt mưa mùa xuân, giọt tiếng chim hót)

    + Kết hợp hài hòa hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng khái quát.

- Đó còn là sự hùng biện bằng một cảm xúc chân thành của con người luôn yêu quê hương xứ sở, cả một đời khát khao được cống hiến và cũng khát khao tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống.

- Nhận xét: bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ là một minh chứng rõ ràng cho nhận định “thơ là hùng biện du dương”, bài thơ đã hùng biện về khát khao cống hiến, tình yêu đất nước bằng cảm xúc chân thành, bằng nhạc điệu du nhịp nhàng và hình ảnh trong sáng.

III. Kết bài

- Bài thơ thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất nước và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.