Đề bài: Kịch Lưu Quang Vũ giàu giá trị nhân văn. Anh, chị hãy phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt để làm rõ điều đó.

Bài văn mẫu

    Lưu Quang Vũ là một người đa tài, ông hoạt động trong hầu hết lĩnh vực nghệ thuật. Ông vừa có thể viết truyện, làm thơ, am hiểu về hội họa… song có lẽ dấu ấn của ông được khẳng định rõ nhất qua kịch. Kịch của Lưu Quang Vũ giàu tính triết lí mang đậm ý nghĩa nhân văn. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng là một tác phẩm như thế. Đăc biệt đoạn trích cảnh VII của vở kịch thể hiện sáng rõ giá trị nhân văn của toàn vở kịch khi diễn ra xung đột gay gắt giữa hồn và xác và được đẩy lên tới đỉnh điểm.

    Trước hết, giá trị nhân văn của một tác phẩm có thể được hiểu là vẻ đẹp, phần sáng trong một con người song phần đẹp đẽ của một con người chỉ thực sự được bộc lộ khi được đặt vào các mâu thuẫn, sự đấu tranh trong hoàn cảnh cụ thể. Ở đó nhân vật luôn cố gắng thoát ra khỏi những bóng tối, những cái xấu xa để khẳng định bản thân mình, vươn tới những giá trị đẹp nhất trong xã hội. Nói như thế, phần nổi bật của giá trị nhân văn là giá trị về tinh thần của con người như: trí tuệ, phẩm giá, nhân cách, tâm hồn… Giá trị nhân văn được xem như là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại.

    Hiểu như thế, ta nhận thấy giá trị nhân văn của cảnh VII của vở kịch được khắc họa rõ nét qua nhân vật Trương Ba. Trương Ba là hiện thân của một con người tốt bụng, sống thanh tao và đặc biệt có biệt tài là chơi cờ rất giỏi. Ông là người thường chơi cờ với Đế Thích và hai người trở thành bạn của nhau. Tuy nhiên, do thiếu tinh thần trách nhiệm, tắc trách trong công việc của mình, các quan nhà trời đã gạch tên Trương Ba ở hạ giới khiến ông Trương Ba bị chết oan. Để sửa sai, Đế Thích cũng là một quan nhà trời đã cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào xác anh hàng thịt mới chết được một ngày. Từ đây, xung đột mâu thuẫn ở trong nhân vật hồn Trương Ba nảy sinh một cách gay gắt. Nhưng chính mâu thuẫn, sự đấu tranh ấy lại làm ngời sáng giá trị nhân văn của tác phẩm.

    Hình ảnh một ông Trương Ba ngồi một mình ôm đầu hồi lâu đã cho chúng ta sự chán nản, tuyệt vọng trong tâm hồn. Hồn Trương Ba cảm thấy nỗi đau đớn của chính mình khi con người thật của mình đã bị đánh mất. Về hành động, Trương Ba không còn thường hay đánh cờ nữa, trí tuệ không còn được minh mẫn, sáng suốt. Là một người làm vườn, cây cối vốn là một thứ mà trước đây ông hết sức yêu quý và nâng niu, nay ông còn phá hoại cả chúng trên thân xác xù xì, thô kệch và nặng nề của anh hàng thịt : “ông làm gãy tiệt cái chồi non… chân ông giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong vườn, còn “làm hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”, “lãm gãy cả nan rách giấy” thậm chí “Trương Ba tát người con trai toét máu mồm, máu mũi”. Về cách sống, dường như tính cách Trương Ba thay đổi hẳn, không còn hiền hậu, vui vẻ, tốt bụng với những người trong gia đình và cả với mọi người xung quanh. Ông trở nên cọc cằn, thô lỗ, lại còn bị thân xác lấn át khi ham muốn vợ anh hàng thịt, đứng cạnh vợ anh hàng thịt, ông cảm thấy “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực”. Như vậy từ hành động tới cách sống của Hồn Trương Ba hoàn toàn biến mất, tha hóa chính là nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba. Bởi vì ông hiểu rằng cái tôi của mình trước đây, của một người làm vườn vốn là biểu tượng của cái đẹp song giờ đây, con người ấy lại hòa vào xác anh hàng thịt lại là biểu tượng của sự thô lỗ, cộc cằn, hung bạo, ham dục vọng thì thử hỏi làm sao mà không tha hóa, biến chất sao được. Giá trị nhân văn của tác phẩm lại nằm ở chỗ nhà viết kịch không để Hồn Trương Ba trượt dài trên sự tha hóa, biến chất của thân xác vốn không thuộc về mình, không phải là của mình. Một Trương Ba bị gia đình nghi ngờ, cảm thấy xa lạ, xa lánh nên nhân vật nhận thức rõ điều ấy và không muốn sống một cuộc sống lay lắt, sống dở, chết dở. Hồn Trương Ba quyết tìm gặp Đế Thích để nói lên khát vọng sống đích thực của mình là đòi lại quyền làm người, quyền sống thích đáng của con người. Trong cuộc nói chuyện, Hồn Trương Ba đã lên tiếng phê phán thói ích kỉ của Đế Thích : “ Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!” và bày tỏ ước vọng của mình là muốn được chết vì chỉ có cái chết mới trả lại con người đích thực của Hồn Trương Ba, mới có thể tìm lại một Trương Ba tốt đẹp trong mắt mọi người xung quanh như xưa. Đối với Trương Ba, cái chết là một sự giải thoát thể hiện tinh thần phản kháng, đấu tranh đòi lại quyền làm người, đòi lại một người yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu mọi người. Với khát vọng “ Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” thì đó lại là một cái chết đẹp. Tiếng nói ấy là một tiếng nói hết sức chính đáng, sống đúng với tư cách của một con người là một phẩm chất đẹp. Hồn Trương Ba quyết liệt tìm đến cái chết : “Tôi không nhập vào hình thù của ai nữa. Tôi đã chết rồi hãy để tôi chết hẳn”. Và ông còn quả quyết khi đưa ra lời đe dọa với Đế Thích “ Nếu ông không giúp, tôi sẽ nhảy xuống sông, hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất…”. Những lời nói phản kháng quyết liệt của Hồn Trương Ba khi đối diện với Đế Thích càng thấy rõ sức sống tiềm tàng trong con người Hồn Trương Ba thật mãnh liệt để tìm lại chính mình, đòi lại quyền làm người thích đáng của mình khi đã bị các quan nhà trời tước đoạt là phẩm chất tốt đẹp ở nhân vật này.

    Một phẩm chất tốt đẹp nữa của Hồn Trương Ba cũng được bộc lộ ở ông đó là tình yêu thương con người. Khi Đế Thích vẫn muốn níu kéo sự sống của Hồn Trương Ba bằng cách đưa ra lời gợi ý, lời khẩn cầu sống trên thân xác của cu Tị hàng xóm trong cơn thập tử nhất sinh, Hồn Trương Ba đã không đồng ý và cùng lúc ấy ông đã xin trả lại sự sống cho anh hàng thịt và cu Tị. Dù Hồn Trương Ba nhận thấy thân xác của anh hàng thịt đã từng cười cợt, ngạo mạn, xem thường, miệt thị Hồn Trương Ba. Nếu không có hắn, Hồn Trương Ba có lẽ sẽ không bị rơi vào tình trạng đau đớn, day dứt, giày vò. Nhưng nguyện vọng của Hồn Trương Ba vẫn xin cho anh hàng thịt được sống, được trở về với gia đình, vợ con đã thể hiện một tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương con người của Hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba đã lấy ân báo oán, xóa bỏ thù hận trước kia bởi ông hiểu rõ nỗi đau của người vợ khi mất chồng và nỗi đau của người mẹ khi mất con từ đó yêu cầu tha thiết Đế Thích trả lại sự sống cho anh hàng thịt và cu Tị là một phẩm chất đáng quý.

    Để khắc họa lên bản chất tốt đẹp trong sâu thẳm con người của Hồn Trương Ba khiến cho vở kịch mang đậm giá trị nhân văn, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được tình huống đầy kịch tính, lời thoại của nhân vật chân thật, sinh động, lôi cuốn, đi sâu vào nội tâm nhân vật với sự đấu tranh mâu thuẫn phức tạp, giằng xé. Kịch bản đã nêu lên được thông điệp: Phải tôn trọng quyền làm người, quyền sống của con người và không có sự áp đặt tùy tiện làm cho con người tha hóa, đánh mất chính mình cũng là ý nghĩa nhân văn của vở kịch.