Đề bài: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết:

"Văn chương … có loại đáng nhớ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.

Cách mở bài 1

Từ xa xưa, văn chương đã xuất hiện và phát triển song song với lịch sử xã hội loài người. Trong kho tàng văn học nhân loại, có biết bao nhiêu kiệt tác mà giá trị đã vượt qua giới hạn không gian, thời gian để trở thành bất hủ. Ấy thế nhưng rất nhiều thế hệ cầm bút vẫn không nguôi trăn trở về ý nghĩa và giá trị đích thực của văn chương. Đầu thế kỉ XX, trên văn đàn nước ta diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa các quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau về văn chương, tiêu biểu là hai trường phái: Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Tuy nhiên, từ cuối thế kỉ XIX, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định: “Văn chương… có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Nhận định đúng đắn này rất gần gũi với quan điểm: Mục đích tối thượng của văn học là phục vụ con người, phục vụ nhân sinh.

Cách mở bài 2

Vào giữa những năm ba mươi của thế kỉ XX, văn học nước ta đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chính vấn đề đó: “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”? Thực ra, không phải tới bây giờ, vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu của cuộc tranh luận văn học đó mới được đặt ra và mới có những câu trả lời khác nhau của hai phái có hai quan điểm văn chương khác nhau. Từ xưa, cha ông ta đã từng suy nghĩ và phát biểu ý kiến về vấn đề này. Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) - một danh sĩ đời Nguyễn, văn chương nổi tiếng như Cao Bá Quát và được nhiều người đương thời gọi là “thần Siêu, thánh Quát” - đã nói rất rõ quan điểm của ông: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.

Cách mở bài 3

Văn chương là sáng tạo tinh thần của con người. Xã hội, con người không chỉ cần có cơm ăn, áo mặc… mà còn cần có văn chương nghệ thuật. Hoa trái làm cho thiên nhiên thêm màu mỡ, văn chương nghệ thuật tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp, bồi đắp cho tâm hồn con người thêm phong phú. Có hoa thơm trái ngọt thì cũng có hoa dại, quả đắn. Văn chương cũng vậy, có loại “đáng thờ”, cũng có loại “không đáng thờ”. Con người và cuộc đời không thể thiếu văn chương. Đúng như danh sĩ Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đã nói: “Văn chương… có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Câu nói của Nguyễn Văn Siêu thể hiện một quan điểm văn chương rất tiến bộ.

Cách mở bài 4

Cuộc sống con người từ lâu đã gắn liền với văn chương. Bởi vì văn chương không chỉ có tác dụng giải trí, mà bên cạnh đó, văn chương còn làm cho cuộc sống mỗi người thêm đẹp, thêm phong phú. Nhưng, như cuộc sống vốn tồn tại cả cái xấu xa và tốt đẹp, thì văn chương cũng có loại hay, loại dở. Bởi vậy, Nguyễn Văn Siêu đã từng viết: “ Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ”. Đây thực sự là một quan niệm đúng đắn đáng để suy nghĩ.

Cách mở bài 5

Sách là một nguồn tri thức quý báu của nhân loại nhưng cũng có loại sách xấu và loại sách tốt, con người sống ở đời cũng có người xấu và người tốt. Văn chương cũng vậy, nó cũng có loại đáng tôn thờ và loại không đáng tôn thờ. Bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu từng nhân định rằng: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.