Đề bài: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

Cách mở bài 1

Tô Hoài một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Trước cách mạng, các sáng tác của ông nghiêng về mảng truyện loài vật và cuộc sống của những người dân nghèo. Sau cách mạng, các sáng tác của ông vẫn tiếp tục đi khai thác cuộc sống của người dân, song ông đi sâu vào quá trình đổi đời của họ, đi từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” chính là nhân vật tiêu biểu cho quá trình vận động ấy. Quá trình vận động từ khổ đau đến hạnh phúc đó đã cho thấy sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật này.

Cách mở bài 2

Sau cách mạng tháng 8, ngòi bút của Tô Hoài đi sâu khám phá sức sống mạnh mẽ của những người dân tộc thiểu số miền núi. Trong chuyến đi lên vùng núi phía Bắc của mình, ông đã cho ra đời tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, với nhân vật Mị, mang trong mình sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

Cách mở bài 3

"Vợ chồng A Phủ" (1953), "Miền Tây" (1967), "Vừ A Dính" (1962)... là những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài viết về phong tục, cảnh sắc và con người miền Tây của Tổ Quốc ta. Tô Hoài đã từng nói: "Tôi coi Việt Bắc, Tây Bắc cũng như một quê hương đề tài của tôi..." (Văn nghệ số 14.10.1995). Tập truyện "Tây Bắc" là một nét son chói lọi đầu tiên của sự nghiệp văn chương Tô Hoài viết về đề tài miền Tây. Một chuyến đi dài, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), ông đã viết thành công tác phẩm "Truyện Tây Bắc", trong đó có truyện "Vợ chồng A Phủ". Qua truyện ngắn này, Tô Hoài đã phản ánh nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu, hạnh phúc. Những trang viết về Mị - một trong hai nhân vật chính của truyện là vô cùng cảm động. Mị tuy bị chà đạp, bị giày xéo trong bể khổ cuộc đời, nhưng cô có một sống tiềm tàng kì lạ!

Cách mở bài 4

Theo Tô Hoài "Nhân vật là trụ cột của sáng tác, phải chuẩn bị nhân vật trước tiên". Từ quan điểm ấy, Tô Hoài đã xây dựng được một số nhân vật để lại ấn tượng thẩm mĩ trong lòng người đọc. Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đến với chúng ta đầu tiên trong cái dáng "lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa", suốt ngày làm lụng, "lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Tưởng đâu như sức sống đã lụi tàn trong tâm hồn cô gái. Nhưng không, từ tận đáy sâu tâm hồn câm lặng ấy vẫn le lói những tia lửa sống chỉ chờ dịp mà bùng lên mạnh mẽ.

Cách mở bài 5

“Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc” của nhà văn Tô Hoài (xuất bản năm 1953). Đây là tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thông qua số phận của Mị và A Phủ, nhà văn đã dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi trước Cách mạng và phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ. Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Mị với diễn biến tâm lí vô cùng phức tạp.