Chuyên mục: Văn mẫu: Vội vàng (Xuân Diệu)

Đề bài: Phân tích bài thơ “Vội vàng”của Xuân Diệu

Bài văn mẫu

Xuân Diệu được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, được người đời gọi là “Ông hoàng của thơ tình”. Ông luôn khao khát giao cảm với đời với cuộc sống. Bài thơ “Vội vàng” in trong tập “Thơ thơ” là tác phẩm tập trung cao độ nhất khát vọng cuộc sống của Xuân Diệu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho thấy những quan niệm mới mẻ về thời gian và tuổi trẻ với những cách tân độc đáo của nhà thơ. Do đó phân tích tác phẩm ta chọn đi theo mạch cảm xúc của tác giả khi tự tin thể hiện ước muốn bản thân, khi hân hoan say đắm với vẻ đẹp thiên nhiên, khi nuối tiếc cho cuộc đời, khi hối thúc, giục giã để lại triết lí nhân sinh sâu sắc cho độc giả.

Mở đầu bài thơ tác giả thể hiện cái tôi cá nhân với ước muốn táo bạo, kì lạ bằng bằng bốn câu thơ ngũ ngôn:

    “Tôi muốn tắt nắng đi

    ...Cho hương đừng bay đi”

Nắng, gió là hai hiện tượng của tự nhiên nhưng ở đây tác giả sử dụng điệp từ “Tôi muốn” để thể hiện nguyện ước ngông cuồng, phi lí của bản thân muốn can dự vào quy luật của tạo hóa. Điều đó dường như là không thể, không bao giờ nhưng qua vần thơ của Xuân Diệu nó được hiện lên với khát vọng có ý nghĩa cao đẹp. Tác giả muốn tắt nắng “Cho màu đừng nhạt mất”, muốn buộc gió “Cho hương đừng bay đi”, ông muốn muốn vĩnh viễn hóa khoảnh khắc của hiện tại, muốn bất tử hóa cái đẹp của thiên nhiên, muốn lưu giữ mãi hương sắc, vẻ đẹp của trần gian để đắm mình tận hưởng sự ưu ái, sự ban tặng của đất trời. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, hàm súc cùng với điệp từ “tôi muốn” làm bật lên cái tôi cá nhân mạnh mẽ, cho thấy ông là một con người yêu say đắm thiên nhiên, yêu cái đẹp bình dị, say mê và trân trọng cuộc sống vô cùng.

Từ ước muốn dạt dào, tác giả dùng con mắt và tâm hồn thi nhân để khám phá vẻ đẹp của tạo hóa với tâm trạng hân hoan, sung sướng. Xuân Diệu ông tìm thấy vẻ đẹp ở ngay tại đây, tại khoảnh khắc này đó là thực tại, là cuộc sống trần gian với sắc xuân của thiên nhiên căng tràn nhựa sống:

    “Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    ...Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”

Với điệp từ “này đây” được sử dụng nhà thơ lần lượt liệt kê từng hình ảnh cụ thể, rõ ràng của mùa xuân với cảm xúc vui sướng trước sự phong phú mà cuộc đời ban tặng. Đó là ong bướm với tuần tháng mật là tuần đầu tiên tận hưởng hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới; là màu xanh mướt của hoa ở đồng nội; là lá của cành non tơ, phơ phất, mềm mại, uyển chuyển; là âm thanh của tiếng chim yến anh_loài chim tượng trưng cho tình yêu vĩnh hằng. Cuộc sống trong cảm nhận của tác giả đẹp kiều diễm với ánh sáng “chớp hàng mi”, người ta vui vì thần Tài gõ đến nhà còn với Xuân Diệu mỗi ngày của ông đều có “thần Vui hằng gõ cửa”. Mỗi ngày sống là trọn niềm vui. Tháng giêng_ tháng đầu tiên của mùa xuân, tháng khởi đầu của một năm. Nhắc đến mùa xuân là nhắc đến tuổi trẻ của đời người. Tháng giêng được thi sĩ so sánh thật độc đáo với “cặp môi gần”. Khác với thời kì trước thơ ca không nhắc đến hình ảnh thực trên cơ thể con người nhưng Xuân Diệu lại mạnh dạn thể hiện nó trong ý thơ của mình. Nhà thơ luôn nhìn vẻ đẹp của mùa xuân với con mắt của kẻ say tình. Tính từ “ngon” được sử dụng đã biến Tháng giêng vô hình hiện lên là một vật thể hữu hình với bao sức hấp dẫn, cuốn hút, quyến rũ. Câu thơ được coi là sáng tạo chỉ riêng Xuân Diệu mới có đồng thời nó cũng đổi mới về thi pháp. Nếu như trong thơ ca trung đại các tác giả thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả vẻ đẹp của con người_ người ta gọi đó là bút pháp ước lệ tượng trưng, ta thấy hiện lên rõ nét nhất khi Nguyễn Du tả nhan sắc của chị em Thúy Kiều là “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, là “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” còn Xuân Diệu thì ngược lại lấy ông con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp thiên nhiên. Đây là một cách tân độc, lạ để làm nổi bật lên tư tưởng mới mẻ, tiến bộ của “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Theo Xuân Diệu khoảng thời gian đẹp nhất của đời người là tuổi trẻ, giá trị lớn nhất của tuổi trẻ là tình yêu. Ông đã từng phải thốt lên rằng: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không thương, không nhớ một kẻ nào”. Cuộc đời của ông luôn tràn ngập tình yêu tuổi trẻ, tình yêu cuộc sống. Tác giả tập trung lắng mình để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên khi xuân sang bằng tất cả các giác quan của mắt, tai, miệng và trái tim yêu tha thiết cuộc đời với hương vị tình yêu. Ta có thể hình dung nhà thơ đang đứng giữa đất trời dang rộng đôi tay và mở toang tầm hồn muốn ôm trọn, muốn đón nhận tất cả sức sống dào dạt của thiên nhiên.

Thi nhân yêu tha thiết cái đẹp để rồi bồi hồi, tiếc nuối:

    “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Dấu chấm giữa dòng ngắt đôi câu thơ thành hai vế với hai trạng thái cảm xúc khác nhau, tạo cảm giác hụt hẫng nó như một bản lề khép hờ vừa chốt lại tình yêu thiên nhiên say đắm, vừa mở ra những băn khoăn, trăn trở ở phía sau. Tác giả không phải chờ đến khi có nắng hạ mới hoài xuân mà ngay lúc ông đang ở trong mùa xuân, đang sung sướng tận hưởng xuân sang vẫn nuối tiếc khi ông nhận ra quy luật của tự nhiên:

    “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

    ...Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Đoạn thơ cho thấy quan niệm mới mẻ trước Xuân Diệu chưa từng có, chưa từng xuất hiện trong văn học khác với quan niệm truyền thống của thơ ca trung đại cho rằng thời gian tuần hoàn, xoay tròn, không bị mất đi mà quay trở lại nguồn gốc ban đầu. Đối với Xuân Diệu thời gian trong thơ ông là sự tuyến tính một đi không trở lại điều đó được thể hiện qua các cặp từ trái ngược nhau: “tới-qua”, “non-già” tô đậm sự trôi chảy mãi mãi ngay cả khi nó vừa mới bắt đầu, ngay cả khi nó vẫn đang hiện hữu tồn tại. Mùa xuân ở đây là mùa xuân của thiên nhiên cũng là mùa xuân của tuổi trẻ. Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc nhất của đời người. Câu thơ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến bạn đọc hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian, nhất là mấy năm ngắn ngủi thanh xuân, khoảng thời gian ấy ta có sức khỏe, có ý chí, có niềm tin và có cơ hội để thử thách bản thân, để cho mình “được thất bại” để thấy cuộc đời có ý nghĩa vô cùng đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân.Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”

Nhận thức được quy luật ấy ông tiếc nuối:

    “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

Thời gian của trời đất vẫn còn đó đến rồi lại đi nhưng thời gian của tuổi trẻ xa mãi xa, nhà thơ nuối tiếc nên nhìn mọi cảnh vật ông cũng thấy thấm đượm sự chia ly, từ biệt là mùi tháng năm, là lời than thầm tiễn biệt của sông núi, là con gió thì thào với lá biếc, là nỗi hờn vì sắp phải bay đi, là tiếng chim bỗng đứt tiếng reo thi… vạn vật luôn luôn phải đối mặt với sự tàn phá của thời gian. Ngay trong phút giây hạnh phúc vẫn ngầm có sự chia li, “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”. Tất cả các sự vật trong cái nhìn của nhà thơ đều được nhân hóa hiện hữu lên như con người có cảm xúc biết buồn vui, tủi hờn, đều biết lo sợ bởi khoảnh khắc qua đi của mùa xuân. Nên kết thúc cho mạch cảm xúc của khổ thơ thán từ ôi và dấu chấm than, cùng với dấu ba chấm biểu đạt ý chưa nói hết thể hiện tâm trạng nuối tiếc đến tột cùng của tác giả: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…” Khép lại đoạn thơ cũng như mạch cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến tác giả khi đã nhận thức sâu sắc, mới mẻ về thời gian của tuổi trẻ cho thấy cái tôi cá nhân Xuân Diệu luôn mang đầy ám ảnh về sự trôi chảy của thời gian.

Tưởng chừng như đã khép lại mạch cảm xúc nhưng sau nỗi buồn đó là tình yêu cuộc sống mãnh liệt, là sự hối thúc, giục giã chúng ta: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”. Ta đã từng bắt gặp nhịp điệu ấy, lời thúc giục ấy trong hai câu mở đầu bài thơ “Giục giã” của Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em em ơi! Tình non đã già rồi”. Đến đây tác giả muốn ôm trọn, muốn hòa mình tan chảy vào vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời để tận hưởng vĩnh viễn, mạch thơ đang băn khoăn, buồn tủi bỗng bừng lên, tươi vui với hình ảnh sống động:

    “Ta muốn ôm

    ...Cho no nê thanh sắc của thời tươi”

Nếu ở hai khổ thơ đầu tác giả liên tiếp xưng tôi và sử dụng điệp từ “tôi muốn” thì đến với khổ thơ cuối nhà thơ đổi cách xưng hô từ tôi sang ta, với điệp từ “ta muốn” và sự đan xen câu thơ ba chữ “Ta muốn ôm” tạo nên sự tăng tiến càng lúc càng cao trào của nhịp điệu, hình ảnh thơ. Đổi cách xưng hô như vậy một mặt thay đổi hệ thống cảm xúc, một mặt thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Xưng tôi là để đối thoại với mọi người, xưng ta là để đối thoại với tất cả sự sống cho thấy khao vọng sống, khao khát yêu thương và tận hưởng mãnh liệt của thi nhân. Điệp khúc “ta muốn” với nhịp điệu nhanh, gấp và cách sử dụng động từ trạng thái tăng tiến từ mạnh đến nhẹ: ôm, riết, say, thâu như nhà thơ đang giục giã chính mình và giục giã chúng ta hãy cố gắng từng giây phút để tận hưởng sự ưu ái mà tạo hóa ban tặng cho cuộc đời của mỗi con người, để thấy rằng cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa vô cùng. Tuy nhiên vội vàng sống, vội vàng tận hưởng ở đây mang ý nghĩa tích cực vừa làm, vừa sống, vừa hưởng chứ không phải là lối sống thụ động chỉ biết hưởng thụ, trông chờ, ỷ lại vào người khác mà lười lao động, sống lối sống vị kỉ cá nhân. Đó là lối sống thực dụng, vô nghĩa không giống như ý thơ của thi sĩ bởi theo Xuân Diệu đó là: “Sống toàn tim! toàn trí! sống toàn hồn!/ Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan”

Từng khoảnh của tuổi trẻ cứ qua đi con người ta lại càng nuối tiếc cho điều đó để rồi nhà thơ phải thốt lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” Đây cũng là một ý thơ rất độc đáo thể hiện cho ý muốn táo bạo của tác giả bật lên nỗi khát khao cháy bỏng, muốn chiếm trọn tất cả giữ lấy cho riêng mình mùa xuân của tuổi trẻ, muốn tận hưởng một cách nhục cảm chân thực nhất về hương vị cuộc đời.

Bài thơ đã khép để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả đó là sự chiêm nghiệm về thời gian, về tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ muốn dành lời khuyên cho các bạn trẻ hãy biết quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời, hãy biết sống để yêu thương và cống hiến làm đẹp cho đời, góp công sức cho công cuộc phát triển đất nước đừng để tuổi trẻ qua đi một cách lãng phí, vô bổ. Bài thơ vẫn còn nguyên giá trị của nó bởi ý thơ sâu sắc đến từng con chữ.

Như vậy với sự cách tân nghệ thuật và sự thay đổi quan niệm mới mẻ, táo bạo cùng với trí tưởng phong phú, tác giả đã để lại cho đời một tác phẩm giàu triết lí sống, dạt dào quan niệm nhân sinh. “Vội vàng” là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống mãnh liệt khiến cho không ít người phải ngỡ ngàng về tuyên ngôn thời gian và tuổi trẻ của Xuân Diệu.