Đề bài: Suy nghĩ của em về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Lịch sử dân tộc luôn đề cao, coi trọng những người mang trọng trách lớn lao: Dẫn dắt, giáo dục con người trưởng thành. Điều đó đã trở thành một đạo lí mà người ta vẫn gọi là “Tôn sư trọng đạo”

II. Thân bài

1. Giải thích thế nào là “Tôn sư trọng đạo”?

- “Tôn sư”: Tôn trọng thầy cô giáo

- “Trọng đạo”: Coi trọng đạo lí

⇒ “Tôn sư trọng đạo”: Cần ghi nhớ công ơn, tôn trọng ân nghĩa của thầy cô giáo, coi trọng đạo lí, khắc sâu ơn nghĩa của những người đã dìu dắt, dạy dỗ học trò trong sự nghiệp trồng người

2. Tại sao cần phải “tôn sư trọng đạo”?

- Thấy cô nâng đỡ, truyền đạt tri thức, chắp cánh nâng đỡ con người trong hành trình dài rộng của cuộc đời

- Thầy cô dạy ta cách sống, cách làm người, hướng con người tới những giá trị sống tốt đẹp

- Thầy cô dành cho học trò tình yêu thương như mẹ cha

- Thầy cô là những người bạn luôn bên cạnh chia sẻ với học trò mỗi lúc buồn vui hay hạnh phúc

- Biết ơn thầy cô giáo là nét đẹp trong cách sống của con người, là biểu hiện của một người thực sự có văn hóa

3. Biểu hiện của “Tôn sư trọng đạo”

- Phạm Sư Mạnh – học trò của cụ Chu Văn An, tuy đã thành quan lớn, nhưng khi quay trở về thăm thầy vẫn kính cẩn, đứng từ xa vái chào. Khi được thầy mời vào nhà chỉ dám ngồi bậc dưới ⇒ Một thái độ, một con người, một nhân cách lớn

- Ngày nay, truyền thống ấy vẫn được thể hiện một cách đa dạng dưới nhiều hình thức:

    + Học sinh gửi những lời tri ân tới thầy cô nhân ngày 20/11

    + Học hành chăm chỉ, lễ phép, ngoan ngoãn với thầy cô giáo…

4. Mở rộng vấn đề

- Bên cạnh những biểu hiện thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn còn những con người bất kính, vô ơn với thầy cô:

    + Hỗn láo với thầy cô

    + Bày trò chọc phá thầy cô

    + Làm những hành vi sai trái khiến thầy cô phiền lòng

⇒ Hành vi, việc làm như vậy phải bị phê phán

5. Chúng ta cần làm gì để tỏ lòng “Tôn sư trọng đạo” (Liên hệ bản thân)

- Điều tuyệt với nhất để đền đáp công ơn thầy cô là học hành chăm chỉ cần cù, mang những kiến thức mà thầy cô đã truyền dạy xây dựng tương lai bản thân và làm giàu cho đất nước

- Cố gắng trở thành con người sống đẹp, sống có đạo đức, có tài để không phụ công lao dạy dỗ của thầy cô

- Bản thân cần ý thức trách nhiệm và việc làm của mình sao cho xứng đáng với những gì thầy cô truyền đạt

III. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: “Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp trong tính cách, phong cách sống của mỗi người

- Lời nhắn gửi đến mọi người: Hãy sống thật đẹp, sống có ích, có đức và có tài để công lao của các thầy cô trở nên có ý nghĩa

Bài văn mẫu 1

   Trong kho tàng đạo đức truyền thống của người dân Việt Nam có biết bao những phẩm chất đáng quý như: hiếu thảo, dũng cảm, lòng bao dung… nhưng không thể không kể đến tôn sư trọng đạo. Đây là một nét đẹp trong văn hóa người Việt, truyền thống quý báu của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy ở mọi lúc mọi nơi, mọi thời đại.

   Vậy tôn sư trọng đạo là gì? Theo em hiểu đó là thái độ tôn trọng, tình cảm yêu mến của các em học sinh dành cho những người làm thầy làm cô, đặc biệt là những thầy cô giáo đã trực tiếp dạy học và giáo dục, người lái đò đưa chúng ta sang sông cập bến tri thức. Thái độ ấy, tình cảm ấy luôn được thể hiện không chỉ lúc còn ở ghế nhà trường mà ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành, đã có những thành công riêng trong cuộc sống nhưng vẫn không quên công ơn thầy cô nuôi dưỡng tài năng, ươm mầm trí tuệ.

   Ngay từ những ngày xửa ngày xưa cha ông ta đã có những hành động thể hiện việc làm tôn sư trọng đao. Điều đó được thể hiện qua địa vị của người thầy trong xã hội luôn đứng sau vua và trên cha: Quân, sư, phụ bởi thấm nhuần tư tưởng của dân gian “Không thầy đố mày làm nên”, hay câu ca dao:

    “Muốn sang thì bắc cầu kiều

    Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

   Chắc hẳn chúng ta chẳng thể quên hình ảnh của những người học trò như Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh luôn một lòng kính trọng thầy giáo của mình là Chu Văn An, dù cho hai ông đã làm quan to trong triều đình đến chức tể tướng nhưng vẫn lấy làm vinh dự khi được quỳ dưới giường thầy, lấy làm vinh hạnh khi được nói chuyện cùng thầy, được thầy hỏi han. Hay là câu chuyện của một Lê Hiến Tông thường xuyên về thăm thầy giáo ở Thái Bình, khi được thầy đãi cơm với canh cua cảm động mà nói: “Thầy cho con ăn bát canh này là cả một niềm hạnh phúc”. Và còn biết bao nhiêu con người như vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam là Phan Thanh Giản học trò của tiến sĩ Hoàng Thì Bình khi đương chức thượng thư triều đình đã cùng học trò cũ xin phép được tế sống để tạ ơn công lao dạy dỗ của thầy. Những con người ấy là tấm gương sáng đi đầu điểm tô cho truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

   Ngày nay trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng giá trị của truyền thống ấy vẫn giữ vai trò quan trọng trong phẩm chất tốt đẹp của người Việt giờ đây vẫn luôn được các thế hệ học trò tiếp nối. Tôn sư trọng đạo đơn giản chỉ là hành động nhỏ như: lễ phép với thầy cô, luôn một lòng kính trọng thầy cô giáo, là ý thức học tập thật tốt làm thầy cô vui lòng, luôn nhớ về ngày tôn vinh nhà giáo Việt Nam 20/11, hay lễ tết hằng năm chẳng cần hoa quà sang trọng, đắt tiền chỉ cần các em luôn nhớ về đã từng có người thầy người cô dạy mình trưởng thành và chân thành bằng lời chúc sức khỏe như vậy những người làm thầy cô giáo luôn cảm thấy mình được kính trọng và hạnh phúc.

   Tuy nhiên một bộ phận nhỏ giáo viên đã làm mất đi hình ảnh người thầy mẫu mực trong mắt phụ huynh, học sinh và xã hội bởi những hành vi tiêu cực như nhận tiền để nâng điểm cho các em, nhận “tấm lòng trong phong bì” của phụ huynh hay có hành vi chửi bới không tôn trọng nhân cách người học, đánh đập ra tay dã man với các em gây xôn xao dư luận. Thử hỏi những người thầy cô như vậy có xứng đáng đứng trên bục giảng để dạy học và giáo dục các em nữa hay không? Đặc thù của nghề giáo là dùng nhân cách để giáo dục nhân cách vậy thầy giáo có nhân cách tồi thì thế hệ học sinh của thầy sẽ ra sao?

   Chính điều đó đã làm cho một bộ phận không ít các em học sinh ngày nay có hành động vô lễ với giáo viên bào mòn đi truyền thống tôn sư trọng đạo. Học sinh gặp giáo viên không chào hỏi mà còn buông lời chọc ghẹo, mỉa mai, chửi giáo viên thậm chí là có hành động lên bục giảng, túm tóc đánh giáo viên trước lớp như vụ việc năm 2015 của em Lê Thị Hiền học sinh lớp 11A trường THPT Đồng Hới hay chặn đường đánh giáo viên vì trên lớp ghi tên vào sổ đầu bài, cho điểm kém. Thực sự những hành vi như vậy phải bị lên án để giáo dục lại bài học đạo đức cho các em.

   Là một người học sinh em ý thức được vai trò quan trọng của người thầy bởi “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cũng hiểu được đạo lí truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc từ đó hình thành cho em tình cảm tôn trọng thầy cô và luôn cố gắng không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi giá trị đạo đức nhân phẩm thật tốt để mai sau có thể trở thành một nhà giáo giỏi được học sinh yêu quý, kính trọng bởi “Có thờ thầy mới làm được thầy”.

   Như vậy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam đã có từ bao đời nay, đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt nghìn năm văn hiến luôn cần được gìn giữ và phát huy giá trị. Hỡi! bao thế hệ học sinh, sinh viên hãy để cái nhìn của quốc tế vào con người Việt Nam vừa có tinh thần hiếu học vừa có truyền thống tôn sự trọng đạo quý báu.

Bài văn mẫu 2

    Ông cha ta từ xưa đã có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để nói lên tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời mỗi con người. Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dù là xã hội xưa, hay xã hội nay truyền thống ấy vẫn cần được các thế hệ gìn giữ và phát huy.

    Trước hết chúng ta cần hiểu “tôn sư trọng đạo” là gì ? Tôn sư tức là tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy, người cô đối với chúng ta. Trọng đạo, đạo là con đường, là đạo lí làm người mà mỗi người phải tôn trọng để phát huy truyền thống của cha ông; như vậy trọng đạo có nghĩa là học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, biết ơn với những người đã giảng dạy cho ta. Tôn sư trọng đạo tức là phải biết, phải thấy được vai trò của người thầy, tôn trọng, kính yêu, biết ơn đối với họ, vì người thầy có vai trò rất lớn đối với sự phát triển, thành công của mỗi người. Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu, là lời căn dặn của cha ông dành cho thế hệ sau để biết sống và cư xử sao cho đúng chuẩn mực.

    Người thầy, người cô đối với mỗi chúng ta có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta được học tập, được tiếp thu tri thức một cách dễ dàng chẳng phải đó là công lao thầy cô ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, chắt lọc, nghiên cứu bài giảng kĩ lưỡng để truyền đạt cho chúng ta đó sao. Kho tàng tri thức nhân loại đến với ta dễ hiểu, dễ nhớ hơn chính là nhờ công ơn của thầy cô. Thầy cô đối với học trò không chỉ là trao truyền tri thức mà còn khơi dậy những mơ ước, cổ vũ động viên để chúng ta biến ước mơ thành hiện thực. Đâu chỉ có vậy, trong những lúc đang băn khoăn, bối rối thầy cô lại như một người bạn để ta tâm sự và đưa ra những lời khuyên xác đáng, có lợi nhất cho chúng ta. Và rất nhiều, rất nhiều nữa,… công ơn thầy cô sao có thể đong đếm nổi.

    Biểu hiện của lòng tôn sư trọng đạo rất đa dạng, phong phú. Là lời chào thật lễ phép, nghiêm trang mà cũng đầy tình cảm mỗi khi thấy thầy cô. Là trong lớp lắng nghe những lời cô giáo giảng bài. Là sự hăng hái, chăm chỉ phát biểu,… Là những món quà nhỏ bé, mà đầy ý nghĩa dành tặng thầy cô nhân những dịp trong đại,… Tuy bé nhỏ, đơn sơ nhưng đó chính là những biểu hiện giản dị nhất, chân thành nhất mà mỗi học sinh cần làm đối với người dạy dỗ mình nên người.

    Nhưng hiện nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những học sinh ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô giáo lại có những học sinh thiếu tôn trọng, thậm chí hỗn xược với những người dạy dỗ mình. Đây quả thật là một hiện tượng đáng buồn, là dấu hiệu cảnh báo của sự suy đồi về nhân cách, đạo đức của học sinh. Không hiếm để chúng ta tìm thấy những bài báo về việc học sinh hành hung thầy cô, chửi lại thầy cô, có thái độ vô lễ với giáo viên trên các trang báo điện tử, mạng xã hội. Nó như một thứ virut lây lan nhanh chóng trong cộng đồng học sinh. Tình trạng đó làm ta không khỏi xót xa cho một truyền thống tốt đẹp đang dần bị hủy hoại. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng buồn đó. Thứ nhất do bản thân học sinh không được giáo dục nhân cách, đạo đức kĩ lưỡng. Do cha mẹ quá nuông chiều con cái, khi có vấn đề ở trường không tìm hiểu kĩ nguyên nhân mà chỉ nghe từ một phía là con của mình, từ đó tạo nên những ám thị khiến con không còn tôn trọng giáo viên. Nhà trường đôi khi chú trọng trao truyền tri thức mà quên đi nhiệm vụ giáo dưỡng tinh thần, khiến các em phát triển lệch lạc. Cũng một phần do các thầy cô còn thiếu đứng đắn, đôi khi có thái độ, biểu hiện không đúng với học sinh. Để giải quyết thực trạng trên cần có sự phối hợp của ba bên: học sinh, gia đình và nhà trường, chỉ khi ấy thực trạng đáng buồn này mới được giải quyết một cách triệt để.

    Trong xã hội hiện đại, vai trò của người thầy đã có ít nhiều thay đổi, họ trở thành người dẫn dắt cho học sinh tiếp cận tri thức. Nhưng không vì thế mà vị thế của người thầy thay đổi. Chỉ khi chúng ta biết tôn trọng những người dạy dỗ mình thì khi ấy chúng ta mới phát triển hoàn thiện về nhân cách. Đặc biệt trong cuộc sống hiện tại, khi nhiều giá trị cuộc sống thay đổi, bị đảo lộn thì việc “tôn sư trọng đạo” càng phải được đề cao hơn nữa.