Chuyên mục: Văn mẫu: Tôi yêu em (Pu-Skin)

Đề bài: Phân tích bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin

Bài văn mẫu 1

   Nếu Việt Nam có “Ông hoàng thơ tình” là Xuân Diệu với những hồn thơ da diết, cháy bỏng, rạo rực thì “Mặt trời của thi ca Nga” là Puskin cũng là một nhà thơ tình nổi tiếng với hơn 800 bài thơ về đề tài tình yêu. Trong đó “Tôi yêu em” là tác phẩm nổi tiếng, có thể coi là bài thơ tình hay nhất, là lời giãi bày tình cảm yêu đương trong sáng, chân thành, mãnh liệt, nhân hậu và vị tha mà thấm đượm nỗi buồn đau vô vọng của thi nhân khi tình yêu chưa được trọn vẹn.

   Bài thơ được sáng tác ở thời kì Puskin sống ở Pê-téc-bua ông thường đến nhà của vị Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga để gặp gỡ, đàm đạo cùng những người làm nghệ thuật. Ông đã phải lòng người con gái xinh đẹp của vị Chủ tịch, nên mùa hè 1828 Puskin ngỏ lời cầu hôn cô gái nhưng không được chấp nhận. Năm 1829 bài thơ đã ra đời trên cơ sở mối tình có thực của thi nhân. Bài thơ vốn không có tên, nhan đề “Tôi yêu em” là do người dịch tự đặt.

   Thơ tình yêu của Puskin thường được bắt nguồn từ tình cảm chân thành có thực trong chính trải nghiệm cảm xúc của tác giả nên lời thơ rất giản dị, tinh tế thể hiện những vẻ đẹp đa dạng trong tâm hồn thi sĩ. Mở đầu bài thơ là cụm từ “Tôi yêu em” để khẳng định tình yêu của mình:

    “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

    Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”.

   Lời yêu chân thành đã được thốt lên từ một trái tim trung thực, một tình cảm trong sáng. Thi sĩ đã thể hiện rằng tình yêu đó đã có từ trước và đến giờ vẫn còn, nhà thơ đã để tình cảm ấy hiện lên với hình ảnh là “Ngọn lửa tình” cháy âm ỉ, dai dẳng “chưa hẳn đã tàn phai”. Lời thơ chậm rãi, ý thơ thâm trầm, kín đáo tuy là khẳng định tình yêu chưa lụi tắt, tàn phai trong trái tim “tôi” nhưng vẫn dè dặt với cụm từ “có thể”, “chưa hẳn” biểu hiện những cảm xúc bền vững xuất phát từ trái tim yêu thương dành cho người tình. Nhưng mạch thơ đột ngột bị rẽ hướng bởi suy nghĩ của tác giả không chỉ biết nghĩ cho mình mà còn nghĩ cho đối phương nên kèm theo lời khẳng định ấy là lời giã từ vì không muốn gây phiền muộn cho cô gái:

    “Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

    Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

   Đó là một quyết định dứt khoát của lí trí mâu thuẫn với cảm xúc của trái tim. Yêu em tha thiết nhưng buộc lòng phải từ chối tình cảm của bản thân vì không muốn em phải “bận lòng” hay phải “gợn bóng u hoài”. Khi con người ta yêu không phải chỉ biết nghĩ cho cảm xúc của riêng mình mà muốn chiếm đoạt, muốn sở hữu đó là một tình yêu ích kỉ, còn Puskin ông chấp nhận những nỗi buồn và tổn thương để người con gái mình yêu được hạnh phúc. Ông hạnh phúc khi người ấy cũng được vui vẻ hạnh phúc, không muộn phiền. Như vậy bốn câu thơ đầu đã thể hiện tình yêu mãnh liệt, mang đẫm vẻ nhân văn của nhân vật trữ tình để lại cho ta suy ngẫm về thế nào là tình yêu chân thành nó khác xa với cách yêu của một số bạn trẻ hiện nay khi đã yêu bằng mọi giá phải có được tình cảm của đối phương.

   Điệp khúc “Tôi yêu em” một lần nữa được điệp lại ở đầu khổ thơ thứ hai để cho thấy tình cảm, cảm xúc được nâng lên ở một cung bậc cao hơn, mãnh liệt hơn:

    “Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

    Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

   Dù bị từ chối, không được chấp nhận tình cảm này nhưng thi sĩ vẫn yêu “âm thầm không hi vọng”. Dù đã cố dặn lòng để em không cảm thấy buồn phiền, dù lí trí đã ngăn cản nhưng trái tim vẫn trỗi dậy mãnh liệt, vẫn tha thiết yêu thương với những cảm xúc của một người đang yêu ấy là “Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng nghen”. Nhịp thơ trở nên nhanh hơn, gấp hơn với các từ “lúc”, “khi”. Đó là rụt rè, e thẹn khi đối diện với “em”, vẫn ghen nhưng chỉ dám “hậm hực” ở trong lòng không dám nói ra, nó gợi lên tâm trạng u tối, nặng nề. Ghen tuông là mùi vị của tình yêu, tuy nhiên nó dễ khiến cho con người ta dễ hành động thấp hèn, ích kỉ, nhỏ nhen nhưng với thi sĩ vẫn là tình yêu “chân thành, đằm thắm”. Điệp khúc “tôi yêu em” lần thứ ba được nhắc lại để khẳng định lại tình yêu thêm dứt khoát và trào dâng cảm xúc như là lời giải thích cho câu thơ thứ hai ở trên, tất cả cũng chỉ là bởi một chữ yêu. Câu thơ cuối xuất hiện mang đến một ấn tượng bất ngờ hàm chứa nhiều ý vị, nó là sự vụt sáng lên của một tình yêu cao đẹp cho thấy tấm lòng cao thượng, nhân văn của thi nhân. Tôi mong cầu cho em được người khác yêu cũng chân thành, đằm thắm như tôi đã yêu em. Tình yêu ở đây rất nồng nhiệt và vị tha, không phải ai cũng có thể chân thành chúc phúc cho người từ chối tình cảm của mình được hạnh phúc. Đó là lời chúc thiêng liêng và cao cả làm rạng rỡ lên nhân cách Puskin. “Yêu là chết ở trong lòng một ít” có lẽ là như vậy, chỉ cần được ngắm nhìn người phụ nữ mình yêu thương được người khác yêu thương như mình đã là mãn nguyện đối với tình yêu chân thành không vụ lợi cá nhân. Tình yêu ấy khiến cho những ai đã đọc bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin phải ngượng ngùng, e thẹn vì chưa làm được như thi sĩ, nó khác xa với tình yêu vị kỉ, với tư tưởng “Không ăn được thì đạp đổ” của một số người.

   Về nghệ thuật của bài thơ thật đơn giản, nhà thơ rất ít dùng thủ pháp tu từ ngoại trừ điệp ngữ “tôi yêu em” và lối so sánh “như tôi đã yêu em” thì không có gì nổi bật đúng như quan niệm của Puskin về cách viết: “Còn như về bút pháp thì càng giản dị càng tốt. Điều chủ yếu là chân lí, sự chân thành. Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm cả. Những tô điểm đó thậm chí làm hại đối tượng” chính điều đó đã làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng biệt của bài thơ được nhà nghiên cứu văn học Gô-rô-đét-xki đánh giá là “bài thơ hay đến mức nó đủ để thừa nhận tác giả của nó là nhà thơ vĩ đại”.

   Những câu thơ tình yêu của thi sĩ Puskin thật chân thành, tha thiết, đằm thắm mà thấm đượm nỗi buồn của một mối tình đơn phương vô vọng, ý thơ thì giản dị, trong sáng, tinh tế cả về ngôn từ lẫn nội dung ý tưởng. Thi hào Puskin xứng đáng là nhà thơ vĩ đại “Có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga”.

Bài văn mẫu 2

    Pus-kin “Mặt trời của thi ca Nga”. Ông là nhà thơ vĩ đại nhất của nước Nga, là người đặt nền móng cho văn học nước nhà. Ông sáng tác trên nhiều thể loại, ở thể lại nào cũng đạt được những thành tựu xuất sắc. Những vần thơ tình của ông làm say đắm biết bao thế hệ bạn đọc. Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất của ông, nó được toàn thế giới ngưỡng mộ, là viên ngọc quý giá của văn học Nga.

    Tôi yêu em với người Nga không chỉ đơn thuần là câu nói thể hiện tình cảm mà nó còn là sự khẳng định bên vững của tình yêu: tôi đã yêu em và sẽ mãi mãi yêu em. Tình yêu đó bền vững, không nhạt phai theo năm tháng. Tôi yêu em không chỉ xuất hiện ở nhan đề mà nó còn được lặp lại trong bài, cho thấy tình cảm da diết, sâu nặng và luôn thường trực trong lòng nhà thơ.

    Bài thơ mở đầu bằng những lời thơ đầy mâu thuẫn, giằng xé:

    Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

    Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

    Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

    Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

    Lời giãi bày tình yêu thật chân thành, giản dị, dấu hai chấm ngắt, ngăn đôi giữa hai vế câu, phải chăng tình yêu ấy còn có điều gì bận lòng và khó nói. Có lẽ sau dấu hai chấm ấy còn nhiều điều anh muốn nói với em, muốn tỏ bày với em. Tình yêu với em “chưa hẳn đã lụi tàn” tức tình yêu này đã hình thành, có cội nguồn từ quá khứ, và kéo dài cho đến những năm tháng hiện tại. Đó là một tình yêu son sắt, thủy chung, có thể gặp những chông gai, trắc trở những nó vẫn luôn âm ỉ cháy. Nếu như hai câu đầu là sự giãi bày của cảm xúc, thì hai câu thơ sau lại là lời nói của lí trí. “Nhưng” đối lập với vế phía trước, tình cảm lên tiếng cổ vũ hãy tiếp tục yêu, hãy để ngọn lửa tình ấy bừng cháy, thì đến hai câu sau lại là sự lên tiếng mạnh mẽ, dứt khoát của lí trí, hãy dật tắt tình yêu. Vì sao vậy? Có phải vì không còn yêu nữa? Nhưng không phải, không yêu em cũng là vì em, để lòng em không gợn những bóng u hoài, những chuyện buồn trong tình cảm của chúng ta. Tình yêu đó thật cao thượng, nhân văn, không yêu em không phải vì đã hết yêu, mà bởi quá yêu nên muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu thương.

    Bốn câu thơ đã diễn tả những mâu thuẫn, giằng xé trong lòng nhà thơ: dù trái tim vẫn thổn thức với nhịp đập tình yêu, vẫn khao khát yêu đương mãnh liệt, nhưng lí trí lại không cho phép, lại kiên quyết gạt bỏ tình yêu đó. Sự kìm nén, dằn lòng ấy là biểu hiện của một tình yêu đích thức. Yêu không chỉ đơn thuần là yêu, là đón nhận, hưởng thụ mà quan trọng hơn là phải biết hi sinh, dành những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Đoạn thơ là lời giãi bày đầy đau đớn, nhưng qua đó cũng thấy được tấm lòng chân thành, vị tha của nhà thơ trong tình yêu.

    Phải từ bỏ tình yêu, có ai lại không đau đớn, khổ sở, nhất là khi tình cảm ấy vẫn như ngọn lửa, trào dâng trong lòng:

    Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

    Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

    “Tôi yêu em” lại một lần nữa vang lên, diễn tả tình yêu dai dẳng, bên bỉ trong lòng nhân vật trữ tình. Chỉ với một câu thơ nhưng Pus-kin đã diễn tả đầy đủ những cung bậc tình cảm của tình yêu: âm thầm, không hi vọng, hậm hực lòng ghen. Và hai câu thơ cuối cùng là biểu hiện cao nhất của tình yêu cao thượng:

    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

    Điệp khúc tôi yêu em một lần nữa được lặp lại, như một đợt sóng dâng trào của cảm xúc, không thể chế ngự được. Bao nhiêu ghen tuông, hậm hực giờ nhường chỗ cho tình yêu chân thành, đắm thắm và mong ước cao thượng, cầu cho người con gái mình yêu thương sẽ có một người khác yêu thương chân thành. Trong lời câu chúc ấy ta thấy được tấm lòng cao thương, vị tha của chàng trai trong tình yêu. Ta thấy được sự thông minh của chàng, dành tình yêu lớn lao cho cô gái, sự tự tin tình yêu mình dành cho nàng là tột cùng không có bất cứ tình yêu nào lớn hơn nữa. Ẩn đằng sau đó còn là niềm hi vọng, chờ đợi dù mơ hồ, mong manh.

    Bằng ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu nhạc điệu, Pus-kin đã diễn tả thành công tình yêu chân thành, tha thiết dành cho người con gái mình yêu thường. Đồng thời còn cho thấy tâm hồn vị tha, bao dung lớn lao trong tình yêu của chàng trai đối với cô gái.

Bài văn mẫu 3

    Pu-skin (1799 - 1837) là nhà thơ Nga thiên tài. Xuất thân trong một gia đình quý tộc. Mê thơ và làm thơ hay , từ thuở học sinh. Khát vọng tự do thấm đượm trong hồn thơ Pu- skin. Tình bạn, tình yêu là cảm hứng nồng nàn trong nhiều bài thơ của Pu-skin.

    Tác phẩm gồm có: Trường ca Người tù Cap-ca, Những người Xu-gan, Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin. Chết trong bi kịch đau thương lúc 38 tuổi. Go-rơ-ki coi Pu-skin là "Khởi đầu của mọi khởi đầu".

    "Tôi yêu em" là bài thơ tình hay nhất, đậm đà ý vị nhất của Pu-skin, sáng tác năm 1829. Bài thơ đã được phổ nhạc thành ca khúc, được đánh giá là tác phẩm "hoàn hảo" nâng tầm vóc Pu-skim lên đài vinh quang thi ca Nga. Chỉ có tám dòng thơ mà ba tiếng "tôi yêu em" như một điệp khúc "dịu ngọt" tha thiết vang lên ba lần:

    "Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

    ... Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

    ... Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm..."

    Mối tình ấy "chưa hoàn toàn lụi tắt trong lòng tôi" nghĩa là vẫn âm ỉ cháy, vẫn nồng nàn, vẫn thiết tha. Không tầm thường, cũng không ích kỉ. Cao thượng, vị tha, mà không thấp hèn. Sang trọng và có văn hoá, yêu nồng nàn tha thiết nhưng không bao giờ muốn đem đến sự bận lòng, nỗi u buồn cho người yêu:

    "Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

    Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".

    "Bể ái lúc vơi lúc đầy" - đã có người nói như vậy. Tình yêu cũng chứa đầy nghịch lí: gần đấy mà xạ vời, xa vời mà gần đấy. Có lúc lúng túng, rụt rè khó nói nên lời. Cũng có lúc ghen tuông, giận hờn. Bến bờ của hạnh phúc đâu dễ chiếc thuyền tình nào cũng cập bến xuôi mái êm chèo? Bởi vậy mới có tâm trạng:

    "Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

    Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"

    Dòng thơ thứ 7 nói lên cung bậc của tình yêu: chân thành và đằm thắm. Chân thành trong tình yêu là sự hướng tới bạn đời trăm, năm. Không vụ lợi. Không dối lừa. Có chân thành thì mới có đằm thắm. Câu thứ 8 dịch nghĩa: "Cầu trời cho em được một người khác yêu" đó chỉ là một cách nói "làm duyên" mà thôi. Chỉ có tôi là yêu em đằm thắm chân thành. Tình yêu ấy là niềm tự hào của tôi - một tình yêu xứng đáng. Chẳng có ngưòi con trai nào có thể mang "đến" cho em một tình yêu như tôi đã yêu em. Đối diện với bi kịch tình yêu, người con trai vẫn tế nhị, khiêm nhường, vẫn tự hào và kiêu hãnh:

    "Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm

    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

    Bài thơ Tôi yêu em là sự thổ lộ tâm tình của người con trai khi đối diện người yêu. Phẩm chất tình yêu cho thấy một nhân cách sang trọng. Rất đa tình mà cũng rất đàng hoàng, tự tin. Tình yêu là khát vọng, nhưng bi kịch trong tình yêu cũng không hiếm trong cuộc đời:

    "Yêu là chết ở trong lòng một ít

    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu".

    ("Yêu" - Xuân Diệu)