Chuyên mục: Văn mẫu: Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu)

Đề bài: Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Bài văn mẫu

   Phan Bội Châu được coi là một trong số những anh hùng kiệt xuất có tầm ảnh hưởng lớn đối với cách mạng Việt Nam trong những năm đầu của thế kỉ XX. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông chưa một lần được hưởng niềm vui chiến thắng nhưng tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của ông luôn là ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết, đam mê cho nhiều thế hệ sau này. Mà trước hết, thơ ca là mặt trận để ông bộc lộ điều ấy. Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ như thế. Ra đời vào thời điểm, nhà thơ chuẩn bị lên đường sang Nhật để thực hiện chí lớn, tác phẩm đã thể hiện niềm khát khao mãnh liệt, mong chờ một sự nghiệp kinh bang tế thế thay đổi vận mệnh cho nước nhà:

    Làm trai phải lạ ở trên đời

   

    Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi

   Bài thơ mở đầu bằng một quan niệm rất quen thuộc của Nho giáo: chí làm trai.v

    Làm trai phải lạ ở trên đời,

    Há để càn khôn tự chuyển dời.

   Nếu đặt trong mạch nguồn của thơ ca trung đại, việc đề cập đến lý tưởng xã hội này là điều rất dễ thấy. Danh tướng đời Trần Phạm Ngũ Lão và sau này là bậc nho sĩ tài tử Nguyễn Công Trứ đã từng đề cập.

    Công danh nam tử còn vương nợ,

    Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

           (Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão)

    Đã mang tiếng ở trong trời đất,

    Phải có danh gì với núi sông.

           (Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ)

   Cái chí của đấng nam nhi ở đây là công, là danh. Họ trông vào đó mà tìm kiếm sự nghiệp, khẳng định bản thân mình trước cuộc đời, trước mọi người. Nhưng cách thể hiện của Phan tiên sinh trong bài thơ này lại gây một ấn tượng mạnh. Cái chí của kẻ làm trai lại trở nên kì vĩ, lớn lao. Bởi nó được đặt trong một không gian đặc biệt, đó là vũ trụ. Nếu nhìn từ không gian ấy, bậc nam nhi sẽ còn có nhiều khao khát hơn là công và danh. Chữ lạ trong bản dịch thơ tuy hay nhưng chưa làm toát lên được ý nghĩa từ chữ trong văn bản gốc. Làm trai phải lạ cần được hiểu là làm được những việc kì lạ, kiệt xuất, phi thường. Muốn làm được điều ấy, người quân tử phải được đặt trong một không gian không thể là trên đời được, mà phải là càn khôn. Vì “đời” tưởng rộng mà hóa ra lại hẹp, mới chỉ là thế giới loài người, còn “càn khôn” là vũ trụ bao la. Cho nên cái hay trong hai câu đề là không gian ấy đến câu thứ hai mới xuất hiện, nó làm tôn lên hình ảnh một bậc nam nhi đại trượng phu, hào kiệt dõng dạc hô vang ở câu đầu rằng phải lạ. Có nghĩa là đấng nam tử đâu chỉ trông chờ, thụ động, phó mặc cho tạo hóa xoay vần, mà phải chủ động, dấn thân thay đổi cả càn khôn, trời đất, cải tạo cả vũ trụ, giang sơn. Mạnh mẽ hơn là phải biết sống hiển hách, dám mưu đồ những việc lớn, kinh thiên động địa, đất nước lâm nguy thì ra tay cứu nước, thay đổi lịch sử. Cảm hứng sử thi, lãng mạn đã nâng tầm chí làm trai lên một diện mạo mới. Đặt trong bối cảnh ra đời bài thơ, hình ảnh đấng nam nhi mang tầm vóc vũ trụ ấy đã mở đầu cho một khúc khải hoàn ca đầy hùng tráng, phi thường về ý chí và tinh thần yêu nước.

   Hai câu đề đã mở ra không gian rộng lớn, đến hai câu thực lại mang tới độ tối đa trong thời gian của đời người:

    Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

    Sau này muôn thuở, há không ai?

   Trong quan niệm chung về đấng nam nhi ở trên, Phan Bội Châu đã nêu lên được ý thức cá nhân đầy khảng khái của bản thân mình. Đến hai câu này, ý thức cá nhân ấy càng rõ hơn. Có thể hiểu trong khoảng một trăm năm này, không thể thiếu được ta. Ta phải trở thành nhân vật lịch sử, ta có sứ mệnh xoay chuyển càn khôn để thay đổi cả bộ mặt lịch sử của thế kỉ này. Ta bỗng vút lên giữa cái vô cùng vô tận của không gian và thời gian như thế, bảo sao lại không tráng lệ, lộng lẫy. Chữ tớ dịch khá thú vị, vừa có chút dí dỏm vừa vẫn khẳng định cái tôi đầy mạnh mẽ. Ý thức cá nhân được vươn cao, vươn rộng theo không gian và còn vươn dài theo cả thời gian nâng tầm nhận thức cao cả về sứ mệnh của con người trước lịch sử. Cái tôi như thế thật là vừa lãng mạn vừa kiêu hùng!

   Xoay chuyển càn khôn, làm chủ lịch sử tưởng chừng như đã quá to tát, ấy vậy mà cái phải lạ của bậc anh hào còn khiến người ta bất ngờ hơn:

    Non sông đã chết, sống thêm nhục

    Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.

   Trong bối cảnh của sự chuyển giao thời đại, dẫu có mới mẻ đến đâu cũng vẫn phải có sự thay đổi dần dần. Nhưng nhận thức của Phan tiên sinh lại khiến người ta thấy thật phi thường. Đúng non sông đã chết là cách nhân hóa rất chân thực cho hiện tại của nước nhà. Kẻ thù ngoại bang chiếm lấy chủ quyền thì coi như đất nước đã chết. Câu thơ uất nghẹn trước thực trạng đau thương của dân tộc. Nhưng cái mạnh mẽ của đấng nam nhi trước Tổ quốc như thế buộc phải nhận ra sống chỉ thêm nhục. Vì thế cái cần nhất, cái lý tưởng nhất của một thời hiền thánh giờ cũng chẳng còn ý nghĩa, có đọc sách cũng ngu thôi. Vậy là hai thứ quan trọng ấy mà còn tiếp tục sống, tiếp tục học thì chẳng khác nào đã để tự mình phó mặc cho số phận, để càn khôn nó tự chuyển dời, để tiếp tục sống một trăm năm đầy vô nghĩa. Có lẽ vậy mà, cuộc đời Phan Sào Nam tuy sống trọn vẹn trong cảnh đất nước lầm than, trải qua bao lần thất bại đau đớn nhưng ông vẫn cống hiến đầy hiển hách, vinh quang. Hai câu thơ đã chứng tỏ một sự chuyển mình của thời đại, nếu nói không quá lên, thật là vĩ đại. Nhận ra lẽ vinh nhục trong cảnh đất nước ấy là thường tình, nhưng dám chối bỏ, phủ định cả một nền học thức của một kẻ vốn xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình như cụ Phan, thì đó là một điều rất phi thường.

   Vậy không thể sống như thế với thực tại, muốn mưu đồ việc xoay chuyển càn khôn phải tiến đến hành động. Và hành động ấy chỉ có thể là xuất dương.

    Muốn vượt bể đông theo cánh gió,

    Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

   Hai câu kết thật đẹp! Hình ảnh miêu tả có phần ước lệ tượng trưng tạo nên một cảnh tượng biển trời, gió bão, sóng bạc thật hùng vĩ. Nó làm toát lên cái hùng tâm tráng trí của kẻ sĩ yêu nước cháy bỏng mà ở câu thơ cuối: thiên trùng bạch lãng nhất tề phi, bản dịch chưa làm toát lên được. Đúng hơn là biển mênh mông, gió bát ngát, sóng bạc muôn trùng và ý chí, khát vọng của con người cùng nhau hòa quện làm một mà nhất tề phi (cùng bay lên). Tâm thế ra đi cũng rộng lớn, tráng lệ như biển trời vậy. Có cái hào sảng, quyết tâm, mạnh mẽ, nhiệt huyết khi lên đường. Người ở lại – bạn bè bằng hữu, chắc chắn cảm nhận được khát vọng, lý tưởng trong hành động kiệt xuất của con người kiệt xuất ấy.

   Bài thơ khép lại trong một niềm hân hoan, hứng khởi trào dâng mãnh liệt của nhà chí sĩ cách mạng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước. Sự kết hợp đầy mới mẻ giữa cách thể hiện đậm chất thơ văn trung đại với những tư tưởng nội dung đậm hơi thở của nhịp sống đương thời đã hình tượng hóa một cách lãng mạn và hào hùng của người chí sĩ yêu nước những năm đầu thế kỉ XX. Giọng thơ nhiệt huyết, lay động này đã tiếp thêm sức mạnh, đã thổi bùng khát khao cho biết bao kẻ sĩ thời ấy có mong muốn thực hiện chí lớn vì sự nghiệp dân tộc của mình.