Chuyên mục: Văn mẫu: Hầu trời (Tản Đà)

Đề bài: Phân tích bài thơ Hầu Trời của Tản Đà

Bài văn mẫu

   Khi chốn nước non này còn lặng lẽ vào những năm đầu thế kỉ XX, người ta bỗng thấy một nhà thơ đã làm xao động cả giới văn đàn. Ông được gọi là người “nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, “gạch nối giữa hai thế kỉ”, người đặt nền móng đầu tiên cho thơ mới. Ông chính là Tản Đà. Điều ông mang tới là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng mà vẫn đầy cảm thương, phong cách tài hoa, độc đáo mà vẫn giữ được cốt cách thơ ca dân tộc. Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho cái tôi trong thơ ấy là Hầu Trời. Thi phẩm được in trong tập Còn chơi xuất bản vào năm 1921 đã tạo nên ấn tượng đặc biệt và khẳng định tài năng của nhà thơ.

   Được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên khá phóng khoáng, tự do, lại thêm cách thể hiện đậm chất tự sự với các yếu tố cốt truyện, tình huống, nhân vật, lời kể… đã tạo nên một cấu tứ rất đặc biệt của tác phẩm này. Đó là một câu chuyện “hầu Trời” của nhân vật chính là tác giả - một thi sĩ, hoàn toàn hư cấu, tưởng tượng, nhưng lại được kể với một giọng điệu say mê, tự nhiên và rất bình dị. Kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực, câu chuyện ấy có thể tóm tắt lại qua ba sự việc theo trật tự thời gian: trình bày lí do được lên Trời đọc thơ, cảnh đọc thơ hào hứng của tác giả và thái độ ngợi ca, tán thưởng của Trời và các chư tiên, và cuộc chia tay đầy lưu luyến, xúc động.

   Chắc hẳn nhiều người vẫn còn quá ấn tượng với cách mở đầu câu chuyện này của thi sĩ Tản Đà:

    Đêm qua chẳng biết có hay không,

    Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.

    Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

    Thật được lên tiên – sướng lạ lùng,

   Đây chỉ là một lời thông báo về sự việc “được lên tiên – sướng lạ lùng” vào đêm qua mà nhiều người chúng ta nghĩ là chuyện bịa. Nhưng cách dẫn dắt của thi nhân khiến người ta tin đó là thật, mà thật một cách đầy tự nhiên, chứ không hề gượng gạo. Ông cũng đặt ra nghi vấn chẳng biết có hay không theo kiểu khoa học nhưng vẫn khẳng định rằng: không hoảng hốt, không mơ mòng và có đến bốn cái thật khiến người ta tin. Cách mở đầu câu chuyện vì thế mà đầy khéo léo và duyên dáng, đến nỗi nhà thơ Xuân Diệu cũng trầm trồ, thán phục. Tình huống độc đáo, hấp dẫn của câu chuyện được mở ra.

   Ngay sau đó, thi sĩ trình bày lý do được lên tiên cũng đầy lạ lùng. Trong đêm khuya trăng sáng, lúc canh ba, nằm buồn một mình, tác giả ngồi dậy đun nước uống rồi ngâm nga văn thơ. Bỗng thấy hai cô tiên xuống, vì tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà khiến Trời không ngủ được nên Trời mời lên đọc để nghe qua. Đúng là có vẻ khó tin nhưng cách giải thích đầy hóm hỉnh và tự nhiên như thế khiến người đọc thấy được sự thú vị, đời thường và cũng đáng tin. Câu chuyện vì thế càng gợi thêm sự tò mò, hấp dẫn. Vậy đối diện với Trời, thi sĩ sẽ thể hiện mình như thế nào?

   Được đón tiếp nồng nhiệt, trang trọng, ngồi ghế bành như tuyết vân như mây, uống chè trời nhấp giọng, thi nhân bước vào một cuộc thể hiện tài năng, mà khán giả không ai khác là Trời và các chư tiên. Chỉ nghĩ đến đây thôi đã thấy quả là một câu chuyện hư cấu đầy thú vị, độc đáo chưa từng có. Việc lên tiên, lên trời không phải là một đề tài xa lạ, ngay cả với bản thân thi sĩ Tản Đà, nhưng việc lên đó để ngâm văn, đọc thơ thì chắc chắn là chỉ có ông mà thôi. Bởi vậy với bút pháp lãng mạn, nhà thơ đã tái hiện lại cảnh đọc thơ cho Trời và các chư tiên nghe đầy hứng khởi, tự hào:

    - Đọc hết văn vần sang văn xuôi

    Hết văn thuyết lí lại văn chơi

    - “Bẩm con không dám man cửa Trời

   

    Chửa biết con in ra mấy mươi?”

   Đáng chý ý nhất ở đoạn này không phải là “gia tài văn chương” nhiều, đa dạng mà thi nhân nhắc tới, càng không có ý phô diễn tài năng giày thay, lắm lối hay cố ý khoe cái hay, cái đẹp do mình tạo ra, mà đó là niềm say mê, tự hào, niềm phấn chấn, hào hứng đối với những sáng tác của mình. Sở dĩ có được điều đó là bởi vì dường như thi sĩ đã tìm thấy một đối tượng tri âm nghệ thuật quá đỗi đặc biệt như thế. Nghe thơ văn của người đời mà Trời, các chư tiên nào là nở dạ, lè lưỡi, chau đôi mày, lắng tay đứng, cùng vỗ tay, lại còn hưởng ứng trên mức yêu thích:

    Chư tiên ao ước tranh nhau dặn

    - “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”

   Những lời tán thưởng của Trời càng khẳng định điều đó:

    Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!

    Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!

    Êm như gió thoảng, tinh như sương!

    Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!

   Có thể nói khung cảnh tuy trên trời nhưng cũng không hề xa lạ, cung cách rất đời thường và ngay cái cách chư tiên gọi thi sĩ là “anh” cũng rất dễ thương. Có lẽ bởi vậy mà việc được hầu Trời đọc thơ văn là một cách để nhà thơ Tản Đà bộc lộ hết thảy sự sảng khoái của bản thân, cũng là cách tự đề cao, tự khẳng định mình trước xã hội rất tinh tế. Đồng thời cũng có cả nỗi niềm khao khát được tri âm, đồng cảm của cuộc đời. Qua đây thấy được một cái tôi đầy phóng khoáng, táo bạo, cái tôi ngông đầy tài hoa.

   Vậy là việc lên trời của thi nhân không đơn thuần là “trần thế em nay chán nửa rồi”, là để tự khẳng định tài năng, cá tính độc đáo của nhà thơ, mà đó còn là cái cớ để giãi bày tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời. Trời nghe văn thơ xong, khen nức nở liền hỏi danh tính. Tản Đà thật đến độ cũng chẳng giấu giếm gì, tên tuổi, nghề nghiệp đều nói ra. Trời sai suy xét thì phát hiện có tên Nguyễn Khắc Hiếu, đày xuống hạ giới vì tội ngông, thực chất là sai xuống làm việc “thiên lương” của nhân loại. Vẫn biết bài thơ thể hiện rất rõ đặc trưng của hồn thơ Tản Đà, nhưng chắc hẳn đến đây nhiều người đọc nghĩ, có thể đến mức này thì quả là một cá tính quá ngông và táo bạo. Câu chuyện hầu Trời, đọc thơ đã vượt xa mức bộc lộ tài năng là vì thế. Mà ở đó, Tản Đà chia sẻ cái cá tính ngông hay cái khát vọng làm việc thiên lương cho đời. Có một thời ông đã từng ôm mộng cải cách xã hội bằng văn chương, nhưng không thành. Và có lẽ đây là lý do nhà thơ nhắc tới sứ mệnh này trong bài thơ. Và có nhiều lý do để cho thấy Tản Đà thực sự quá sức với mệnh trời ban. Bởi: - “Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó”. Vào thời đại của mình, Tản Đà được biết đến là người đầu tiên đem “văn chương ra bán phố phường”. Nhưng sự đời ngặt nghèo không dễ dàng như người ta tưởng, gia tài là bụng văn nhưng tấc đất không có, nào giấy, nào mực, nào cửa hàng đều của người, giá lại rẻ, lãi ít mà tiêu nhiều, học hành thêm thì tuổi đã cao. Đừng nói việc thiên lương mà ngay cả cuộc sống rất bình thường với ông vô cùng chật vật. Hơn thế, đó là tình cảnh chung của giới văn nghệ sĩ những thập kỉ đầu thế kỉ XX. Lên được đến trời là cơ hội để ông giãi bày sự tình ấy. Với bút pháp hiện thực, nhà thơ đã trải lòng mình như mong mỏi một niềm cảm thông, khát khao tìm kiếm được sự tri âm, sự khẳng định bản thân giữa cuộc đời.

   Bài thơ kết thúc bằng một niềm tiếc nuối, ngậm ngùi khi phải trở về với trần thế. Tiếng gà, tiếng người đã đánh thức nhà thơ. Không phải chỉ một năm mà có lẽ cả một đời thi sĩ luôn thèm khát được lên trời như thế. Nhưng ấn tượng của người đọc về những giây phút lên tiên hay chính là giây phút thăng hoa trong nghệ thuật của nhà thơ Tản Đà. Từ đó người đọc được chứng kiến một cái tôi cá nhân, cái tôi ngông phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời. Bởi vậy, dù là một câu chuyện chẳng có thật nhưng người ta luôn nhớ về Hầu Trời qua những nét rất đỗi gần gũi, giản dị, tự nhiên và đầy hóm hỉnh như thế.