Chuyên mục: Văn mẫu: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

Đề bài: Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

Bài văn mẫu

Có một thi sĩ Việt mà đến hai thành phố lấy tên ông đặt cho những con đường, đó là Hàn Mặc Tử. Ông là một hiện tượng kì lạ bậc nhất của phong trào thơ mới, được Chế Lan Viên nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai Hàn Mặc Tử như ngôi sao trổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Nhắc đến Hàn Mặc Tử người ta không quên hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên và con người xứ Huế mộng mơ qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đó là bức tranh tuyệt đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa nét thực và hư mộng cuộc đời, cũng là tiếng lòng yêu tha thiết cuộc sống của thi sĩ.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác năm 1938 lúc đầu có tên “Ở đây thôn Vĩ Dạ” sau được đổi lại. Tác phẩm được in trong tập “Thơ điên” (sau đổi thành “Đau thương”). “Đây thôn Vĩ Dạ” được gợi nguồn cảm hứng từ mối tình đơn phương của nhà thơ với một người con gái xứ Huế mộng mơ là Kim Cúc. Đó là con gái của viên chức cấp cao, thiếu nữ mang trong mình nét đẹp dịu dàng, duyên dáng giữ nét chân quê. Hàn Mặc Tử yêu người con gái thầm kín, chỉ dám đứng nhìn từ xa. Mối chân tình ấy được nhà thơ ấp ủ gửi vào tập “Gái quê”. Sau đó Hoàng Cúc theo cha về thôn Vĩ Dạ ở Huế nên ông buồn tủi, đau đớn lại mang trong mình căn bệnh phong khiến nỗi đau ấy càng da diết. Bạn của Hàn Mặc Tử là Hoàng Tùng Ngâm (anh họ Hoàng Cúc) biết được nỗi tâm tình đó nên đã viết thư gửi ra Huế cho Cúc khuyên nàng viết thư thăm hỏi, động viên một tâm hồn bất hạnh. “Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái danh thiếp. Trong ảnh có mây, có nước, có cô gái chèo đò với chiếc đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trắng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian, tôi nhận được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và một bài thơ nữa do Ngâm gửi về”. Chính tấm bưu ảnh trực tiếp sự khơi gợi cảm xúc cùng với mối tình thầm kín của Hàn Mặc Tử đã viết nên một thi phẩm giàu cảm xúc, giàu hình ảnh mộng mơ và thẫm đẫm nỗi buồn man mác trong tâm hồn thi nhân.

Thôn Vĩ Dạ là một thôn nhỏ nằm bên bờ sông Hương xứ Huế. Nơi đây là một khu nhà vườn tuyệt mĩ có cây cảnh, cây ăn quả rất nổi tiếng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các thi nhân, tiêu biểu là câu thơ của thi sĩ Bích Khê: “Vĩ Dạ thôn! Vĩ Dạ thôn/ Biếc tre cầu trúc không buồn mà say”. Hay câu thơ tả vẻ đẹp thần tiên Cồn Hến Vĩ Dạ: “Ti trúc mê li xuân dưới nguyệt/ Cỏ hoa vờ vật mộng trong hương…”

Mở đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là câu thơ mang hình thức câu hỏi tu từ với nhiều sắc thái, ý ngĩa khác nhau: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Liệu có phải đây là lời trách móc nhẹ nhàng cũng là lời mời tha thiết về thăm thôn Vĩ của cô gái? Hay là lời tự trách của Mặc Tử sao không về chơi thôn Vĩ, cụm từ “về chơi” thật chân tình, chân thành và rất gần gũi, thân thương. Câu thơ mở đầu của Hàn Mặc Tử rất đặc biệt ông biết cách đặt thanh bằng vào tiếng thứ ba “không” và nhất là sự táo bạo phá luật, thất lệ ở tiếng thứ tư “về” đặt một thanh bằng vì theo như thể thơ thất ngôn tứ tuyệt nó phải là một thanh trắc vì theo lệ “Nhị tứ lục phân minh”. Nếu câu thơ mở đầu là “Sao anh không ghé chơi thôn Vĩ?” hay câu “Thôn Vĩ sao anh không về chơi?” thì nó lại mang một ý thơ khác không còn là cái tôi đặc sắc riêng của Hàn Mặc Tử. Ông giống như Thôi Hiệu phá cách trong câu thơ “Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ”. Nhờ thể bằng ở tiếng thứ nhất, thứ hai và thứ sáu tao đà cho một loạt thanh bằng tiếp theo trước khi kết thúc bởi thanh trắc vút cao ở chữ “Vĩ” thật tuyệt sắc tuyệt mĩ. Câu thơ gợi lại cho ta nhiều suy ngẫm, trăn trở về một hồn thơ “Tài hoa bạc mệnh”.

Mở ra đằng sau câu hỏi ấy là bức tranh tả cảnh sắc thôn Vĩ trong nắng sớm bình minh: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Ấn tượng độc đáo là nắng hàng cau, trong vườn cau là loài cây cao nhất, loài cây được đón ánh nắng bình minh đầu tiên. Cụm từ “nắng mới” dùng để chỉ ánh ánh nắng tinh khôi buổi sáng, từ mới tô đậm sự trong trẻo, tinh khiết. Vẫn là ánh nắng ngày nào nhưng trong con mắt của thi sĩ nó thật đẹp thật chan hòa, ấm áp biết bao. “Vườn ai” gợi cảm giác mơ mồ, bất định với cách sử dụng đại từ phiếm chỉ “ai” gây tò mò với vẻ đẹp bí ẩn không thể sở hữu. Tính từ “mướt” chỉ màu xanh non tơ, mỡ màng của cây lá tràn đầy sức sống với sắc tình xuân được so sánh với màu xanh của ngọc_một màu xanh dịu nhẹ có sức hút kì lạ. Dưới cái nhìn của thi nhân khu vườn sáng sớm mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo khi buổi đêm được tắm sương hôm, sáng đến lại được ngập tràn trong nắng mới. Đó là một vẻ đẹp của thanh tú, thuần khiết của một vùng quê yên ả khiến cho nhà thơ ngạc nhiên, trầm trồ trong hạnh phúc.

Trên nền cảnh thiên nhiên con người bỗng được hiện lên: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Mặt chữ điền ở đây là một gương mặt cụ thể của một người con gái mang vẻ đẹp duyên dáng e lệ đằng sau lá trúc hay đó là sự cách điệu hóa của nhà thơ để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Huế chịu thương chịu khó, ngay thẳng, kín đáo và phúc hậu? Dù hiểu theo cách nào thì ta cũng có thể thấy được vẻ đẹp của con người hiện lên sau câu thơ. Đó là hình ảnh hư hư thực thực mang lại cảm giác về cái đẹp mộng mơ. Hơn một lần thi sĩ đã gợi nhắc hình ảnh người con gái và trúc trong thơ: “Thầm nghĩ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý nhị và ngây thơ”. Như vậy với bút pháp ước lệ tượng trưng thi nhân đã tạo nên bức tranh tuyệt mĩ kết hợp hài hòa vẻ đẹp thiên nhiên buổi sớm và sự duyên dáng, kiều diễm của con người, cho thấy tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên sâu sắc của con người bị hành hạ đau đớn đến quằn quại vì bệnh tật.

Tưởng chừng như mạch thơ bị đứt đoạn, nhà thơ đã chuyển cảnh đột ngột từ bình minh sang đêm trăng thơ mộng. Đó là một nét độc đáo trong tư duy thơ của Hàn Mặc Tử, bên ngoài có vẻ rời rạc nhưng ẩn sâu bên trong là sự logic của mạch cảm xúc. Nhà thơ đang mang trong mình tâm trạng háo hức, mong chờ được về chơi thôn Vĩ thì lại chuyển sang buồn tủi, cô đơn như tỉnh mộng trở về với thực tại khắc nghiệt bởi mối nhân duyên ấy bị ngăn cách, cản trở do căn bệnh nan ý lúc bấy giờ. Những hình ảnh thiên nhiên cũng nhuốm màu chia li, buồn tủi của nhà thơ:

    “Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Đáng lẽ mây và gió là là một cặp song hành với nhau, gió thổi mây bay nhưng ở đây Hàn Mặc Tử lại nhìn thấy nó li biệt gió lối gió, mây đường mây tạo thành nghệ thuật tiểu đối cùng với cách ngắt nhịp 4/3 gợi sự ngăn cách đôi ngả. Cái nhìn và sự quan sát của nhà thơ vận động từ cao xuống thấp, từ xa đến gần. Thi nhân lia ống kính tâm hồn từ cảnh vật trên trời xuống dòng nước bên dưới đang chảy chầm chậm, lững lờ. Hình ảnh hoa bắp lay nhẹ, khẽ khàng để hô ứng với nước. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa để làm cho dòng nước cũng biết buồn thiu. Ở đây có bút pháp tả cảnh ngụ tình, Hàn Mặc tử tả cái buồn hiu quạnh của cảnh vật để gợi đến tâm trạng buồn tủi, cô đơn của bản thân, chẳng tự nhiên mà dòng nước có thể buồn mà bởi cái nhìn buồn rầu, ảm đạm của nhà thơ mà trở nên như vậy. Đúng như Nguyễn Du đã từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Như vậy hai câu thơ đặc tả hình ảnh thiên nhiên chia đôi, rời rạc để gợi tả hoàn cảnh, tâm trạng thi nhân.

Mạch cảm xúc lại bị chuyển khi từ một dòng nước buồn thiu giờ đây lại trở thành một dòng sông tràn ngập ánh trăng:

    “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay”

Trăng, gió, mây là nguồn cảm hứng sáng tác của các thi nhân bao đời như bài thơ “Buồn trăng” của Xuân Diệu có viết: “Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ/ Thương ai không biết đứng buồn trăng/ Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió/Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng”.Trong thơ Hàn ta thấy ông luôn bầu bạn với ánh trăng, trăng là tri âm tri kỉ là nơi trú ngụ linh hồn cuối cùng của nhà thơ để trốn tránh thực tại bệnh tật. Trang thơ ông có biết bao hình ảnh ánh trăng tuyệt mĩ, bất thường, bất hủ: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” hay “Trăng ngậm đầy sông chảy lai láng”, ở trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đó cũng là một sông trăng có “thuyền ai” đậu trên đó, có ánh trăng tan chảy làm cho dòng nước ngập tràn trăng đêm lung linh, mờ ảo. Cái lạ của câu thơ không chỉ vì đây là một câu thơ siêu thực, lạ vì siêu thực một cách rất hiện thực dưới sự đặc tả của Mặc Tử. Câu hỏi tu từ trong hai câu thơ mang tâm trạng băn khoăn của tác giả. Từ “kịp”cho thấy cuộc chạy đua của người bệnh với thời gian cuộc đời, “tối nay” là một đêm sao ngắn ngủi thế. Ta cảm thấy trong hồn thơ Hàn luôn mang tâm trạng mặc cảm khác với quan niệm về cái chết của Xuân Diệu. Ông hoàng thơ tình luôn nhìn thấy cái chết ở phía cuối con đường nên ông càng phải tranh thủ sống có ích, có nghĩa từng ngày tối đa với hạnh phúc, còn thi sĩ Hàn_con người bất hạnh mang trong mình căn bệnh phong đáng sợ luôn nhìn thấy cái chết cận kề, đối với ông chỉ cần được sống thôi là hạnh phúc. Nếu thuyền để chở người, chở đồ thì với nhà thơ là chở trăng_hiện tượng tự nhiên cao vời vợi ở trên trời. Đó là nét mờ ảo xen lẫn hiện thực cho thấy sự khắc khoải tuyệt vọng của nhà thơ gợi thương cảm, xót xa cho số phận thi nhân tài hoa tài tử mà lại gặp phải bi kịch cuộc đời. Tử càng điên cuồng yêu đời bao nhiêu thì càng bị hành hạ đau đớn đến quằn quại bấy nhiêu bởi bệnh tật. Đúng như L.Tolstoi đã từng nói: “Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình”.

Chất thơ của Hàn Mặc Tử luôn được đan xen hài hòa giữa chất hiện thực và cõi ảo mộng. Hiện thực khắc nghiệt quá nên nhà thơ tìm về với vẻ đẹp của cõi mộng để an ủi lòng mình nhưng mộng dù có dài lâu đến mấy thì cũng phải tỉnh để rồi nhà thơ rơi vào ảo ảnh thực tại:

    “Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà?”

Mơ là trạng thái vô thức khi con người ta chìm đắm trong cõi mộng, điệp từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần mang hai trạng thái cảm xúc. Lần đầu là khát vọng mơ gặp khách đường xa, lần sau là thực tại càng muốn mơ thấy người khách thì lại thấy đường càng xa. Tác giả mơ về bóng giai nhân trong ảo ảnh. Không thể thoát ra khỏi cõi mộng tác giả đem về hiện tại với hình ảnh hư thực “Áo em trắng quá nhìn không ra” đó là áo em với một màu trắng tinh khôi, tinh khiết, nhà thơ cực tả sắc trắng một cách kì lạ, bất ngờ nên khiến cho “em” chìm vào cõi ảo. Câu thơ thứ ba xuất hiện làm cho lớp nghĩa câu hai càng rõ nét. Thời tiết ở Huế nắng nhiều, mưa nhiều và sương cũng nhiều. Sương khói làm mờ đi hình bóng của “em”, lại cộng thêm sắc trắng của áo khiến cho bóng giai nhân vừa gần vừa xa, vừa thực vừa hư. Đây là ảo giác xa rời với hiện thực. Dường như điều đó càng làm cho tâm trạng thi nhân thêm khắc khoải được thể hiện qua sự lặp lại của đại từ phiếm chỉ ai: “Ai biết… ai có…” ở câu cuối nhấn mạnh tâm trạng bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn khao khát được sống được yêu và yêu say đắm với người con gái xứ Huế mang tên một loài hoa. Câu thơ hàm chứa hai ý nghĩa đối lập nhau: Trước hết làm sao để biết được tình cảm của người xứ Huế nơi xa có đậm đà không hay như là sương khói mù mịt rồi tan đi. Thứ hai làm sao để cô gái ấy biết được tình cảm nhớ thương da diết của nhà thơ dành cho nàng. Câu hỏi thể hiện nỗi cô đơn, trống vắng, đau đớn của một tâm hồn thơ tài năng mà hoàn cảnh, số phận nhuốm màu bi thương.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” với bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình cùng với ngôn từ trong sáng được chắt lọc, hình ảnh thơ đặc sắc và lối sử dụng điệp từ đã thể hiện được tiếng lòng của nhà thơ trữ tình mới lạ. Ông xứng đáng là một thiên tài trác tuyệt nổi bật trong những nhà thơ mới với hồn thơ đau thương của con người bệnh tật nhưng vẫn ham sống mãnh liệt tạo nên một hồn thơ lạ trong nền văn học Việt Nam đúng như ý thơ của Nguyễn Viết Lãm dành cho thi sĩ Hàn: “Tử thân yêu, hồn thơ anh chỉ một/ Hành tinh chật rồi không chứa nổi hai đâu”