2 bài Dàn ý Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi hay nhất

Đề bài: Dàn ý Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Dàn ý mẫu 1

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi: Là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với sự nghiệp văn học đồ sộ.

- Giới thiệu về tập thơ Quốc âm thi tập và bài thơ cảnh ngày hè: Quốc âm thi tập là tập thơ đặt nền móng cho sự mở đường của thơ chữ Nôm, cảnh ngày hè là một trong những bài thơ hay nhất của tập thơ.

II. Thân bài

1. Sáu câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống ngày hè

- Hoàn cảnh sống của Nguyễn Trãi trong những ngày về ở ẩn:

     + “Rồi”: Là một từ cổ có nghĩa là rảnh rỗi, nhàn hạ

     + “Ngày trường”: Ngày dài, chỉ khoảnh thời gian rảnh rỗi.

     + Hóng mát: Hoạt động an nhàn, tĩnh tại, thư thái

→ Tâm thế an nhàn, thảnh thơi của tác giả. Nguyễn Trãi một đời bận rộn, tận tâm vì đất nước, đây là những giây phút hiếm hoi của cuộc đời.

- Bức tranh thiên nhiên rực rỡ, sống động.

     + Xuất hiện trong ba câu thơ là những sự vật quen thuộc của của mùa hè: lá hòe , thạch lựu, hoa sen.

→ Sự vật gần gũi, giản dị

     + Cách miêu tả sự vật của tác giả: Màu sắc - màu xanh của hoa hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, trạng thái - đùn đùn, rợp, phun, tiễn, mùi hương: mùi sen cuối hạ.

→ Cách miêu tả tinh tế, sinh động khiến các sự vật hiện lên vừa có màu sắc vừa có trạng thái, vừa có mùi hương

⇒ Các sự vật vốn gần gũi, giản dị nhưng qua cách phối hợp đường nét, màu sắc cùng các động từ mạnh đã vẽ lên một bức tranh căng tràn sự sống

⇒ Thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên của của Nguyễn Trãi.

- Vẻ đẹp bức tranh cuộc sống con người

     + Nguyễn Trãi dùng nhiều từ Hán Việt như ngư phủ, cầm ve, tịch dương kết hợp nhuần nhuyễn với những từ thuần Việt tạo nên vẻ đẹp vừa mộc mạc, bình dị, vừa trang trọng tao nhã.

     + Cuộc sống được cảm nhận bằng âm thanh: Âm thanh từ làng chợ cá, của tiếng ve râm ran mỗi độ hè về

     + Nhà thơ sử dụng hai từ láy tượng thanh “lao xao” – âm thanh của những phiên chợ cá, “dắng dỏi” – diễn tả âm thanh của tiếng ve, kết hợp với nghệ thuật đảo cấu trúc câu nhằm nhấn mạnh những âm thanh bao trùm làng quê.

→ Cuộc sống sôi động, ồn ão, tràn đầy sức sống và âm thanh.

⇒ Cả thiên nhiên và con người đều hiện lên tràn đầy sức sống

⇒ Tâm hồn lạc quan, yêu đời, tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, tha thiết với cuộc sống quê nhà của nhà thơ Nguyễn Trãi.

2. Hai câu cuối: Tâm sự và ước nguyện của nhà thơ

- “Dẽ” là từ cổ nghĩa là lẽ, lẽ ra

- “Ngu cầm” là cây đàn của vua Nghiêu vua Thuấn. Đây là điển cố quen thuộc của Trung Hoa kể về thời đại Nghiêu Thuấn – những ông vua nhân từ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hằng ngày vua Nghiêu Thuấn thường đem đàn ra gảy khúc nam phong ngợi ca cảnh thái bình trên xứ sở này

→ Thể hiện ước muốn có được cây đàn để ca ngợi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống vui tươi trên quê hương ông.

→ Câu thơ thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc của tác giả khi được sống hòa hợp cùng thôn quê.

- Câu thơ cuối cùng thể hiện rõ ràng, cụ thể ước mơ được thấy cảnh thanh bình, ấm no trên đất nước.

→ Nguyễn Trãi dù sống trong cảnh thanh nhàn nhưng vẫn nặng lòng với dân với nước. Ông ước mơ về cuộc sống no đủ, ấm áp sung túc không chỉ trên quê hương ông mà còn trải khắp đất nước.

3. Nghệ thuật

- Giọng điệu trữ tình, sâu lắng, bút pháp tả sinh động

- Thể thơ sáng tạo thất ngôn xen lục ngôn

- Ngôn ngữ thơ phong phú, đa dạng vừa có lớp từ Hán Việt vừa có lớp từ thuần Việt tạo nên vẻ đẹp vừa trang trọng vừa bình dị

- Sử dụng các điển tích, điển cố

III. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Mở rộng: Liên hệ với những bài thơ cùng chủ đề như “Quy hứng” của Nguyễn Trung Ngạn, “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dàn ý mẫu 2

1. Về tác giả và xuất xứ:

   a. Nguyễn Trãi (1380-1442), đỗ Thái học sinh thời cuối Trần, ông ngoại là Trần Nguyên Đán, tể tướng nhà Trần. Con nhà văn hiến, tuổi trẻ, tài cao giữa lúc vận nước gian nguy (giặc Minh xâm lược năm 1407), Nguyễn Trãi đã theo Lê Lợi làm nên thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc (1418-1428) mở ra một vương triều mới. Là tác giả của Quân trung từ mệnh, Đại cáo bình Ngô những văn kiện chính trị, quân sự, ngoại giao nổi tiêng thời phong kiến. Lại là tác giả Dư địa chí (một trong những cuôn sách địa lí đầu tiên về nưởc ta) và hàng trăm bài thơ chữ Hán, chữ Nôm sau tập hợp thành ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Một lòng thờ vua, giúp nước, thương dân nhưng cuối đời gặp họa chu di tam tộc (giết ba họ). Ông là một thiên tài nhân nghĩa - thanh cao - chịu oan nghiệt. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, khoa học và Vãn hóa thế giới (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân Văn hóa thế giới.

   b. Quốc âm thi tập gồm 254 bài, tập thơ Nôm sớm nhất hiện còn, cho nên có thể nói Nguyễn Trãi là người đặt nền móng và một trong những đỉnh cao cùa Thơ Việt. Tập thơ được chia làm 4 phần, theo thể thất ngôn Đường luật chen lục ngôn (có một câu sáu tiếng xen vào), một sự thay đổi chỉ thấy ở thơ Việt thế kỉ XV, XVI. Bốn phần này được chia ra thơ về thời tiết, cây cỏ, thú vật và không có tựa đề (vô đề). Tất cả đều là tâm sự, tâm trạng, tâm tình, tâm tính. Những cảm xúc, nghĩ suy trước sự vật, nhân tình, thế sự, thế thái của một trong những con người Việt Nam đẹp nhất cách đây khoảng 600 năm. Xã hội thế nào? Con người ra sao? Chí hướng thế nào? Nỗi mình ra sao? Tự răn điều gì giữa thời buổi tranh quyền đoạt lợi trong một vương triều mới thành, đang lên đều có thể tìm thấy trong tập thơ.

   Trên cái nền ấy là lung linh vẻ đẹp ức Trai "lòng sáng như sao Khuê" (Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo) như nhận xét của Lê Thánh Tông (1460- 1497), vị vua anh minh nhất trong 1000 năm quốc gia Đại Việt.

2. Về bài thơ.

   Cảnh ngày hè, xếp trong mục Bảo kính cảnh giới bài 43 (Gương báu răn mình) của phần Vô đề

   Mùa hè, ngày dài, rỗi rãi, ngồi hóng mát, nhưng không phải thư nhàn, thanh thản mà với một bầu tâm sự, xúc cảm mà ghi lại. Từ cảnh nghĩ đến thế cuộc rối lòng khiến tình ý miên man. Chúng ta sẽ đi vào bài thơ để thấy vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.

a. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên - cảnh ngày hè

   Nhà thơ từ trong sự tĩnh lặng, có gì đó vắng vẻ của đời sống thường nhật bản thân nơi ở ẩn để vẽ nên bức tranh phong cảnh. Lầu cao, lúc mặt trời sắp lặn, những tiếng ve inh ỏi cuối cùng để rồi sẽ chìm vào im ắng, con người này chỉ còn mỗi việc hóng mát một mình suốt ngày. Ông sẽ thấv gì ở cuộc sống ngày hè? Cây và hoa, người và vật đều bộc lộ hết nhiệt độ sống tối đa của nó. Cây hòe, tán giương che rợp, màu xanh dày dặn, đầy đặn, cố mà xanh hết sức xanh. Cây thạch lựu cũng cố phun sắc đỏ. Hoa sen hồng thì cố tỏa hương ngát hơn. Chợ cá phải náo nhiệt lắm thì từ nơi xa mới vẳng lai được tiếng lao xao. Những tiếng ve cuối cùng của cuối ngày như muốn đứt giọng mà kêu. Các động từ đùn đùn, phun, tiễn, lao xao, dắng dỏi đều diễn tả trạng thái đang vận động mạnh mẽ, ứa căng, tràn đầy của vạn vật. Cách ngắt nhịp cũng có sự biến đổi đặc biệt. Không đều đều, cân đối, nhịp nhàng 3/4 quen thuộc của thể thơ đường luật. Giữa "Hòe lục đùn đùn / tán rợp gương", và "lao xao chợ cá / làng ngư phủ; Dắng dỏi cầm ve / lầu tịch dương" là Thạch lựu hiên / còn phun thức đỏ; Hồng liên trì / đã tiễn mùi hương (nhịp 3/4). Người ta sẽ cảm nhận được muôn vật, muôn vẻ khác nhau qua trạng thái và nhịp sống của nó bằng các động từ miêu tả và sự thay đổi tiết tấu ở các cáu thơ. Sức sống này đầy đặn, lớp lớp sinh sôi, sức sống kia mạnh mẽ, cái này là bề rộng, cái kia là chiều cao. Tất cả đều sống động, đang khát sống. Cái thể trạng hừng hực là thể trạng riêng, là vẻ đẹp của cảnh vật ngày hè dưới con mắt nhìn Nguyễn Trãi.

b. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi

   Thiên nhiên quanh mình, cuộc sống xã hội nơi xa tất cả đều vang động trong cõi lòng, trong tâm hồn ông. Nhà thơ quan sát, tận hường hương vị, lắng nghe cái rướn mình sinh sôi, nảy nở, thôi thúc tự bên trong, đang ứa căng, tràn đầy, xôn xao của vạn vật và đời sống. Phải có lòng yêu thiên nhiên, cuộc sống sâu sắc, thắm thiết, thấm thía con người này mới có thể thụ hưởng được như thế trong một buổi đơn, cô độc như vậy. Nguyễn Trãi sẽ vui cái vui sinh sôi, nảy nở đang diễn ra quanh mình để quên đi cái tâm không nhàu. Và cái tâm không nhàn của ông, chính là nỗi niềm, khát vọng về một đời sống thái bình, hạnh phúc cho dân cho nước. Nhất là khi chứng kiến đời sống thực, tự nhiên, yên lành, khát sống, không đua chen, bụi bặm của con người, tạo vật buổi cuối chiều ngày hè này.

    "Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

    Dân giàu đủ khắp đòi phương"

   Lẽ ra nên có, làm sao có một triều đại, một xã hội cho muôn dân, muôn vật đang tràn đầy sức sống kia được sống thanh bình, an hưởng hạnh phúc. Chiến tranh chấm dứt: thế sự tưởng yên ổn, không ngờ lại đang chứa chất những rối ren. Bao giờ mới đến thời thái bình thịnh trị đây? Nguyễn Trãi, trong cảnh mà ta gặp, bài thơ mà ta đọc hôm nay, đang đặt ra câu hỏi ấy. Câu hỏi quên thân mình, phận mình để day dứt cho dân, cho nước. Nỗi đau, niềm lo, nỗi khát khao và tâm trạng ngậm ngùi cùng đồng thời hiện diện ở con người trưởc sau chỉ giữ vững một quan niệm, một tình cảm "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".

   Hai câu kết, thì câu cuối cùng 6 chữ. Là tiêu chí rõ ràng, ngắn gọn của thời đại thái bình. Thái bình, thịnh trị là "Dân giàu đủ, khắp đòi (muôn) phương". Giữa nước (triều đại) và dân. Nguyễn Trãi luôn lấy dân làm trọng, lấy sự giàu có, no đủ, hạnh phúc của dân làm gốc. Đây cũng là nỗi niềm chung của những con người "đã rằng vì nước, vì dân". Trước Nguyễn Trãi khoảng 500 năm, Thiền sư Pháp Thuận (915-990) thời Tiền Lê từng khẳng định: "Vận nước có nhiều nỗi, nhưng mở ra cõi thái bình là trên hết, nhà vua ở trên cao, nên lấy đức mà cảm hóa, khắp mọi nơi sẽ đều hết cảnh đao binh". Sau Nguyễn Trãi cũng khoảng 500 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) cũng chỉ có một mong muốn tột cùng như thế.